Tin tức

Vì sao đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai hơn 8km phải đi ngầm?

Tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai đi ngầm gần như toàn tuyến sẽ giúp giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng, tăng khả năng kết nối với các tòa nhà và công trình ngầm xung quanh các nhà ga.

08/04/2022 09:45

Quỹ đất giao thông hẹp, đi ngầm là tối ưu

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 343 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD, trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 12,6 triệu USD, vốn đối ứng trong nước hơn 2 triệu USD).

Vì sao đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai hơn 8km phải đi ngầm? - Ảnh 1.

Vận hành chạy thử đoàn tàu đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội

Dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU). ADB và EU tài trợ theo đề nghị của Cơ quan Phát triển Pháp và Ngân hàng tái thiết Đức.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7 km thì có tới 8,13 km đi ngầm. Việc tuyến đường được thiết kế đi ngầm là do quỹ đất dành cho giao thông rất hạn hẹp. Đây là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô.

Ban quả đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tuyến đường này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội ở ga trung tâm, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến số 2 tại ga Hàng Bài, tuyến đường sắt số 4 tại vành đai 2,5 và tuyến số 8 tạo nên sự gắn kết chặt chẽ của mạng lưới đường sắt đô thị.

Sau khi tuyến ga Hà Nội – Hoàng Mai hoàn thành, toàn bộ 21km của tuyến đường sắt từ Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai (tuyến số 3) sẽ nối khu vực phía Tây qua trung tâm Thành phố với khu vực phía Nam.

Được biết, đoạn tuyến kéo dài ga Hà Nội – Hoàng Mai (8,786 km) có tới 8,13 km đi ngầm, còn lại là hầm hở dẫn đi trên mặt đất.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, quỹ đất của TP. Hà Nội dành cho giao thông rất hạn hẹp. Do vậy các tuyến đường sắt đô thị đi ngầm là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô. Tuy nhiên, việc đi ngầm toàn bộ tuyến cũng có những ưu và nhược điểm đi kèm.

Vì sao đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai hơn 8km phải đi ngầm? - Ảnh 2.

Dự án đường sắt đô thị ga Hà Nội – Hoàng Mai theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội có chiều dài 8,7km, chủ yếu là đi ngầm với kinh phí hơn 40.000 tỷ đồng

“Việc đi ngầm toàn tuyến giúp giảm thiểu diện tích GPMB, tiết kiệm đất xây dựng; giảm xung đột với các công trình dân dụng, giao thông trên mặt đất. Đồng thời tăng khả năng kết nối với các tòa nhà và công trình ngầm xung quanh các nhà ga; không phá vỡ cảnh quan đô thị dọc theo tuyến, cũng như tạo điều kiện phát triển không gian phía trên mặt đất với các công trình đô thị”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, ngoài ra, việc đi ngầm cũng hạn chế chiếm dụng đất và cản trở giao thông trong quá trình thi công xây dựng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kinh tế xã hội đối với khu dân cư dọc theo tuyến.

“Tuy nhiên, việc đi ngầm toàn tuyến sẽ làm cho chi phí đầu tư xây dựng cao; Quá trình thi công công trình ngầm phức tạp, đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiến tiến”, ông Hiếu cho biết.

Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, tuyến đường sắt đô thị ga Hà Nội-Hoàng Mai đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo-Trần Thánh Tông - Kim Ngưu-Nguyễn Tam Trinh với 7 ga ngầm, do vậy sẽ giảm được tối đa diện tích giải phóng mặt bằng. Phương án hướng tuyến và vị trí nhà ga đã được UBND Thành phố phê duyệt sớm, đồng thời Chính phủ cũng đã có quy định rõ về hành lang an toàn cho đường sắt đô thị nên công tác quản lý quy hoạch dọc tuyến tốt hơn, đảm bảo giữ được quỹ đất cho phát triển đường sắt đô thị.

Làm sao để không “lụt” tiến độ, đội vốn “khủng”

TP Hà Nội có 2 dự án đường sắt độ thị đã và đang triển khai hiện nay là Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-Ga Hà Nội đều bị chậm tiến độ và đội vốn. Do vậy, với một tuyến chủ yếu đi ngầm như tuyến ga Hà Nội – Hoàng Mai, vấn đề được quan tâm là liệu dự án có phát sinh những vướng mắc liên quan tới bố trí vốn, giải phóng mặt bằng…dẫn đến tiến độ các dự án bị kéo dài và lại đội vốn lên.

Vì sao đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai hơn 8km phải đi ngầm? - Ảnh 3.

Chuyên gia cho rằng, các dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông, Bến Thành – Suối Tiên đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đây là bài học cần phải rút kinh nghiệm khi triển khai các dự án đường sắt đô thị tiếp theo

Về vấn đề này, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, để hạn chế những khó khăn vướng mắc khi triển khai dự án, các tổ công tác của TP. Hà Nội, của Chính phủ đã được thành lập nhằm giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như nguồn vốn, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về đường sắt đô thị ở Việt Nam.

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã làm việc với các Nhà tài trợ và Chính phủ để xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho đường sắt đô thị nhằm rút ngắn các quy trình, thủ tục; lựa chọn Tư vấn pháp lý hỗ trợ Chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhằm giải quyết các tranh chấp với các Nhà thầu.

“Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ lựa chọn những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt tham gia triển khai thi công xây dựng. Công tác GPMB cũng sẽ được tiến hành ngay khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt hoặc tách GPMB thành một dự án riêng để thực hiện nhằm đảm bảo có 100% mặt bằng sách giao cho nhà thầu thi công xây dựng ngay khi ký hợp đồng”, ông Hiếu cho biết.

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, các Sở ngành, UBND các quận, huyện để thực hiện tốt công tác lấy ý kiến nhân dân, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của người dân…

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, Ở các nước phát triển, tàu điện ngầm (metro) đã có từ cả trăm năm nay. Còn ở Việt Nam, việc xây dựng metro còn rất mới mẻ và ngay từ khi khởi công đã gặp nhiều khó khăn.

đường sắt đô thị có quy trình thi công phức tạp, để đảm bảo tiến độ dự án đòi hỏi công tác chuẩn bị về thiết kế kỹ thuật phải bám sát thực tiễn, công tác GPMB, bố trí vốn cho dự án phải đi trước một bước…Đặc biệt trong quá trình thi công phát sinh nhiều vướng mắc đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung tháo gỡ kịp thời để tránh tình trạng dự án phải dừng thi công.

“Các dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông, Bến Thành – Suối Tiên đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đây là bài học cần phải rút kinh nghiệm khi triển khai các dự án đường sắt đô thị tiếp theo”, ông Thủy lưu ý.

Về bài học cho Việt Nam, ông Thủy cho rằng, với các dự án quan trọng, đặc biệt lần đầu Việt Nam đầu tư cần sự chuẩn bị kỹ càng hơn. Trước tiên là chuẩn bị về nhân lực chuyên môn, quản lý, đưa ra các tình huống để dự báo, ký hợp đồng chặt chẽ, ràng buộc về giá cả, tiến độ, có chế tài xử lý cụ thể.

Vì nếu bộ máy quản lý kém, sẽ bị nhà thầu chi phối, và trường hợp đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ còn lặp lại, còn kéo dài thì Việt Nam còn phải trả lương cho các chuyên gia và nhân lực của họ.

Đi liền với đó phải có chính kiến trong chọn nhà thầu, để chọn nhà thầu tốt, không phải vì sử dụng vốn ODA, mà nước cho vay chỉ định nhà thầu nào cũng phải chấp nhận. Ngoài ra, cũng không nên lạm dụng, phụ thuộc vào các khoản vay ODA, các yếu tố giá cả để đấu thầu dự án mà bỏ qua các vấn đề về tiến độ, chất lượng. Vì sau cùng, nếu ban đầu đấu thầu giá rẻ, nhưng thi công chậm, sử dụng hay hư hỏng thì còn tốn kém, chi phí đầu tư lớn hơn chọn đắt từ đầu nhưng tốt.

Đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai có đoạn tuyến chính của dự án dài 8,7km, trong đó chiều dài đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,08km. Diện tích đất xây dựng công trình tổng cộng 34,2ha, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 11,3ha.

Sơ bộ tổng mức đầu tư ước tính là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ…

Dự kiến lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt thiết bị trong giai đoạn 2022-2027; kiếm tra vận hành chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1/2028.

Đến năm 2030, lưu lượng hành khách của tuyến ga Hà Nội-Hoàng Mai sẽ vận chuyển được 124.000 hành khách/ngày, sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 hànhkhách/ngày.

Ý kiến của bạn