Tin tức

Vì sao chỉ một con tàu mắc cạn có thể khiến giá dầu thế giới tăng?

(VOVTV) - Đó là vì con tàu mắc cạn này chặn đứng kênh đào Suez, nơi nắm giữ tới 12% khối lượng hàng hóa giao thương của thế giới, mà một phần rất lớn trong đó là dầu thô và các sản phẩm hóa dầu.

Tác giả PV  -  
26/03/2021 08:37

Giá dầu thế giới tăng 5% sau vụ mắc cạn

Ngày 25/3, Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) thông báo đã tạm thời đình chỉ giao thông tại Kênh đào Suez để 8 tàu lai dắt có thể giải cứu siêu tàu chở hàng Ever Given đang mắc cạn tại phía Nam của kênh đào này trong 2 ngày qua.

Giao thông trên tuyến đường thủy nhỏ hẹp chia cắt lục địa châu Phi với bán đảo Sinai đã đình trệ từ hôm 23/3 sau khi tàu chở hàng khổng lồ mang cờ Panama - MV Ever Given - bị mắc kẹt ''án ngữ''. 

Vì sao chỉ một con tàu mắc cạn có thể khiến giá dầu thế giới tăng? - Ảnh 1.

Dữ liệu vệ tinh từ MarineTraffic.com cho thấy mũi tàu của Ever Given đang chạm vào bờ phía Đông của kênh đào, trong khi phần đuôi tàu đang tựa vào bờ phía Tây

Vị trí tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt nằm cách cửa kênh gần thành phố Suez, khoảng 6km về hướng Bắc. Tình trạng này khiến cho các con tàu khác bị tắc nghẽn, không thể lưu thông từ cả hai hướng. Theo dữ liệu của MarineTraffic, các tàu chở hàng và tàu chở dầu khác dường như đang xếp hàng dài ở đầu phía Nam của kênh đào Suez, chờ đợi để về phía biển Địa Trung Hải.

Vì sao chỉ một con tàu mắc cạn có thể khiến giá dầu thế giới tăng? - Ảnh 2.

Ảnh vệ tinh cho thấy tuyến đường biển ngắn nhất nối châu Á và châu Âu đang bị tắc nghẽn

Vortexa Analytics, nền tảng phân tích dầu khí, nhận định 10 tàu chở dầu và 13 triệu thùng dầu có thể bị ảnh hưởng của sự gián đoạn hàng hải của Kênh đào Suez. Trong khi đó, theo một quan chức Ai Cập, các tàu bị mắc kẹt ở Suez hoặc đang neo đậu chờ quá cảnh đã tăng lên 213 tàu. Các tàu này bao gồm 63 tàu chở hàng rời, 28 tàu chở dầu thô và một tàu sân bay LNG. Vụ việc ảnh hưởng nặng nề đến thị trường dầu mỏ.

Vụ mắc cạn đã khiến hoạt động giao thương đi qua Kênh đào Suez bị đình trệ nghiêm trọng, trong đó có nhiều tàu chở dầu và bị cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%.

Kênh đào Suez, nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải, được khánh thành vào năm 1869. Đây là nguồn thu ngoại tệ rất quan trọng của Ai Cập, với doanh thu đạt 5,6 tỷ USD trong năm 2020.

Tàu siêu trường siêu trọng mắc cạn khiến kênh đào Suez phải đóng cửa lớn cỡ nào?

Con tàu mang tên MV Ever Given mang cờ Panama dài 400m, bằng với chiều cao của tòa Empire State ở Mỹ. Với chiều dài khổng lồ như thế, chỉ cần con tàu không nằm dọc theo kênh là đã đủ cản trở hoạt động qua lại trên kênh. 

Ngày 23/3, con tàu bị mắc kẹt, nằm chéo chắn kênh Suez do tầm nhìn thấp và điều hướng kém vì bão cát mạnh và sức gió 40 hải lý. Tuyến đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới nối châu Á và châu Âu đã phải dừng lại.

Vì sao chỉ một con tàu mắc cạn có thể khiến giá dầu thế giới tăng? - Ảnh 3.

Các hoạt động cứu hộ và làm nổi tàu khổng lồ chặn kênh đào Suez đang được tiến hành. Ảnh: Reuters

Các hoạt động cứu hộ và làm nổi tàu khổng lồ chặn kênh đào Suez đang được tiến hành. Hiện nay, nhiều phương án và giải pháp vẫn đang được bàn thảo. Phương án mới nhất mà cơ quan quản lý kênh đào Suez và đội cứu hộ hàng hải Hà Lan đưa ra là khoan xung quanh con tàu mắc kẹt để làm nổi tàu cùng với đó là nạo vét xung quanh tàu. 

Trước đó, phương án đầu tiên được đưa ra là kéo tàu từ cả hai phía bằng cách sử dụng một số tàu kéo khổng lồ có sức kéo mạnh mẽ. Theo đó, cơ quan quản lý kênh đào Suez sẽ tiến hành kéo và đẩy tàu bằng tám tàu lai lớn, với tàu lớn nhất có sức kéo 160 tấn. Trở ngại duy nhất trong cách tiếp cận này là vị trí của thiết bị cứu hộ để thực hiện các nỗ lực đẩy và kéo. 

Giải pháp thứ hai là triển khai tàu cuốc để dọn sạch cát và bùn dưới mũi tàu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kịch bản này cũng không dễ và không biết mất bao bao lâu vì phụ thuộc vào việc con tàu bị kẹt vào đất sét và cát hoặc có thể là đá. Các chuyên gia cũng tính tới phương án dỡ các container trên tàu xuống để giảm trọng lượng nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, việc dỡ hàng cũng phải mất một tháng tới 45 ngày do con tàu có trọng tải lớn và cao hơn 52 mét, chi phí này cũng sẽ rất cao.

Tuyến đường ngắn nhất nối châu Á và châu Âu 150 năm tuổi

Vì sao chỉ một con tàu mắc cạn có thể khiến giá dầu thế giới tăng? - Ảnh 4.

Kênh đào Suez dài 193km, do người Pháp khởi công xây dựng vào tháng 4/1859

Kênh đào Suez dài 193km, do người Pháp xây dựng với sự đồng ý của chính quyền Ai Cập. Tháng 4/1859, công trình khởi công. Trải qua 10 năm xây dựng gian nan, vất vả với sự tham gia của hơn 2,4 triệu công nhân Ai Cập, trong đó 125.000 người đã thiệt mạng, tháng 11/1869, kênh đào Suez chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, mở ra một tuyến lưu thông huyết mạch kết nối Địa Trung Hải với vịnh Suez  và biển Đỏ.

Kênh đào Suez đã góp phần rút ngắn tuyến đường biển cho những con tàu (dưới 150.000 tấn) đi từ Đại Tây Dương qua Địa Trung Hải đến Biển Đỏ rồi qua Ấn Độ Dương hay ngược lại. Cũng nhờ có kênh đào Suez, con đường biển từ London (Anh) tới Mumbai (Ấn Độ) đã rút ngắn được gần 12.000km.

Kênh đào Suez nhanh chóng có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền giao thương thế giới. Cho đến nay, nó vẫn là huyết mạch sống còn của tuyến lưu thông hàng hóa từ Đông sang Tây, đặc biệt là vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông đến các nền kinh tế phát triển.

Ai Cập quốc hữu hóa kênh năm 1956, thành lập Cơ quan quản lý Kênh đào và quản lý kênh từ thời điểm đó cho đến nay. Việc quốc hữu hóa này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng Suez. Anh và Pháp, vốn đồng sở hữu con kênh này, cùng với Israel đã tiến vào chiếm các vị trí chiến lược trong khu vực kênh đào. Cuộc khủng hoảng chỉ chấm dứt sau khi Mỹ, Liên Xô và LHQ can thiệp.

Tháng 6 năm 1967, chiến tranh 6 ngày giữa Ai Cập và các quốc gia Ả rập xảy ra khiến con kênh bị hư hại nặng nề. Tới tận sau cuộc chiến Yom Kippur War năm 1973, khi Ai Cập lấy lại được hoàn toàn quyền kiểm soát kênh đào, con kênh mới được tu sửa và tới tháng 6/1975, mở cửa trở lại.

Nawm 2015, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã cho đầu tư hàng tỷ đôla mở rộng kênh Suez  nhằm thúc đẩy giao thương, làm sống lại nền kinh tế ốm yếu và khôi phục vị trí trọng yếu của Ai Cập trên bản đồ giao thương quốc tế.

Vì sao chỉ một con tàu mắc cạn có thể khiến giá dầu thế giới tăng? - Ảnh 5.

Đoạn kênh Suez gần cảng Ismailia, đông bắc Cairo. Ảnh: Reuters

Sau hơn 150 năm hoạt động, Kênh đào Suez tới nay vẫn là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất, với 12% lượng giao thương của thế giới đi qua con kênh này.

Những con tàu khổng lồ chở đủ mọi thứ, từ dầu thô, sản phẩm hóa dầu tới hàng hóa điện tử và đồ chơi. Năm 2020, gần 19.000 con tàu đã đi qua kênh đào này, trung bình mỗi ngày hơn 51 tàu đi qua trên kênh.

Với hơn 150 năm tuổi, kênh đào Suez là một trong những tuyến giao thông hàng hải quan trọng nhất thế giới, vận chuyển 12% tổng số giao thương hàng hải quốc tế.

 

Ý kiến của bạn