Vì sao cấm phụ nữ mang thai hộ với mục đích thương mại?
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Đây là quy định mang tính nhân văn cao khi tạo cơ hội cho nhiều người được làm cha mẹ.
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Mới đây nhất, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Huệ Tâm (27 tuổi, ở xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan công an, Tâm sử dụng mạng xã hội tìm kiếm thông tin những người hiếm muộn, muốn sinh con, đồng thời tìm các phụ nữ có nhu cầu mang thai hộ để kiếm tiền. Những phụ nữ này chủ yếu là sinh viên, 18-25 tuổi ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Sau đó, Tâm móc nối hai bên và thỏa thuận giao dịch. Mỗi vụ "đẻ thuê" có giá 300 - 700 triệu đồng. Trong đó Tâm hưởng lợi 100 - 200 triệu đồng, người mang thai hộ hưởng 200 - 500 triệu đồng tùy trường hợp.
Sau khi thỏa thuận, Tâm đưa những người mang thai hộ đi xét nghiệm, cấy phôi thai. Để hợp thức hóa việc mang thai hộ, Tâm sử dụng các loại giấy tờ giả như hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn... để qua mặt cơ quan chức năng.
Vậy phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại có phạm tội không? Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào? Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lý giải những câu hỏi này:
Phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại có phạm tội không?
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại là một hành vi bị pháp luật cấm thực hiện.
Để tránh hiện tượng lạm dụng việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) đã bổ sung tội: "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại". Điều luật mới nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi chủ trì, dụ dỗ, lôi kéo, lên kế hoạch để các bên mang thai hộ gặp nhau. Hành vi phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
Để cấu thành tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì chủ thể phạm tội phải hội tụ đủ 4 dấu hiệu sau:
Chủ thể phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại: Bất cứ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi quy định tại điều 12 BLHS 2015. Người phạm tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên thực hiện. Không thuộc trường hợp mất năng lực hình sự. Độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không thuộc đối tượng phải chịu Trách nhiệm hình sự về tội này.
Khách thể phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại: Xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình. Xâm phạm đến việc quản lý của Nhà nước trong việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Mặt chủ quan về phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại: Người thực hiện hành vi phạm tội này thường có lỗi cố ý trực tiếp. Chủ thể biết hành vi của mình là tổ chức mang thai hộ với mục đích thương mại. Nhưng vẫn làm, mong muốn hậu quả xảy ra.
Mặt khách quan về phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại: Hành vi khách quan: Là hành vi tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại. Hành vi đó có thể là việc tìm kiếm, kết nối, gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ mang thai hộ…
Hậu quả: Việc phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương diễn ra thành công. Đây là căn cứ để xác định rõ trách nhiệm hình sự. Không phải là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của người tổ chức.
Chế tài xử phạt
Chế tài áp dụng đối với hành vi phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại có phạm tội như sau:
Khung hình phạt cơ bản: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khung hình phạt tăng nặng: Theo quy định khung hình phạt tăng nặng với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, áp dụng cho 1 trong các trường hợp sau:
Đối với 02 người trở lên; Phạm tội 02 lần trở lên; Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; Tái phạm nguy hiểm.
Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mức phạt cao nhất áp dụng đối với người mang thai hộ vì mục đích thương mại như thế nào?
Mức phạt cao nhất có thể áp dụng đối với người mang thai hộ vì mục đích thương mại là 5 năm.
Người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ nhưng vẫn nhận lợi ích về kinh tế có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Có thể vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người mang thai hộ có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.
Người mang thai hộ tự nguyện mang thai nhằm giúp đỡ người thân thích của mình có phạm tội không?
Người mang thai hộ cho người khác để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác vẫn có thể là tội phạm của tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo quy định pháp luật.
Tin nổi bật
Tin Video