Vì sao Bộ GD&ĐT thí điểm dạy tiếng Hàn và tiếng Đức từ lớp 3 đến lớp 12?
Bộ GD&ĐT nói rõ về lý do thí điểm dạy môn tiếng Hàn, tiếng Đức cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12.
"Việc đưa môn tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 mới chỉ là thí điểm. Học sinh có nhu cầu có thể đăng ký tham gia học chứ không bắt buộc. Các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai dạy thí điểm tiếng Hàn, tiếng Đức phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên và có học sinh đăng ký học", đại diện đại diện Bộ GD&ĐT trả lời PV sáng 4/3.
Trước đây, trong chương trình phổ thông, tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ thuộc nhóm 2 thì nay Bộ GD&ĐT đưa về nhóm ngoại ngữ 1. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, học sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng để học, không bắt buộc học tất cả.
Sở dĩ, Bộ GD&ĐT có lộ trình đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 là để các em hình thành và phát triển thêm năng lực giao tiếp, vận dụng ngoại ngữ một cách hiệu quả trong học tập, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Nội dung cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh, và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.
Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh nhằm giúp các em, đạt các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Cụ thể, học sinh kết thúc lớp 6 đạt bậc 1, kết thúc cấp THCS (lớp 9) đạt bậc 2 và kết thúc cấp THPT (lớp 12) đạt bậc 3. Tổng thời lượng chương trình môn tiếng Hàn và tiếng Đức là 1.155 tiết (mỗi tiết 45 phút) gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; trong đó chú trọng nhiều hơn đến 2 kỹ năng nghe và nói.
Về các điều kiện tổ chức dạy học, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, giáo viên tiếng Hàn, tiếng Đức phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên theo đúng chuyên ngành dạy học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; có đủ chứng chỉ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ tối thiểu từ bậc 4 với Tiểu học, THCS và bậc 5 với THPT.
Tin nổi bật
Tin Video