Khám phá

Về Hưng Yên thăm đền Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam

(VOVTV) - Thánh Chử Đồng Tử là một trong 4 vị thánh “Tứ bất tử” không bao giờ chết của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền thờ Chử Đồng Tử có ở nhiều nơi như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam. Trong đó, Hưng Yên có nhiều đền thờ Chử Đồng Tử nhất với hai ngôi đền nổi tiếng hơn cả là đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch.

Tác giả Linh Trịnh / VOVTV
20/12/2020 08:21

Tương truyền, quê hương của Chử Đồng Tử là Chử Xá (huyện Văn Giang, Hưng Yên).  Có lẽ vì vậy mà Hưng Yên là nơi có nhiều đền thờ Chử Đồng Tử nhất, với 45 làng cùng lập đền thờ.  Hai ngôi đền nổi tiếng nhất là đền Đa Hòa thuộc thôn Đa Hoà, xã Bình Minh và đền Dạ Trạch thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, Huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cả hai ngôi đền này đều thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân (Tiên Dung công chúa và Hồng Vân công chúa).

Đền Đa Hòa trên bãi Tự Nhiên, nơi tác thành mối tình huyền thoại

Ngôi đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử đầu tiên (đền chính) là đền Đa Hòa. Đền Đa Hòa nằm trên một khu đất cao, rộng, bằng phẳng, có diện tích hơn 1.8ha, hướng về phía Tây - hướng sang bãi Tự Nhiên ven sông Hồng, tương truyền là nơi tác thành mối tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

Đền Đa Hòa hiện tại là công trình hưng công cuối thế kỷ 19, do Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, quan Án sát tỉnh Hưng Yên đảm trách. Công trình có quy mô đồ sộ, ý tưởng kiến trúc độc đáo, gắn với truyền thuyết về nàng Tiên Dung và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Khu đền bao gồm 18 công trình lớn nhỏ: nhà bia, gác chuông, gác khánh, ngọ môn, nhà tiền tế, tòa thiêu hương, đệ nhị cung, đệ tam cung, hậu cung và các nhà thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, nhà pháo. Các mái đền tạo dáng hình thuyền rồng cách điệu. Nếu từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy các nóc đền, tổ hợp lại trông giống như một đoàn thuyền đang dập dìu trên sông nước. Chu Mạnh Trinh có ý tạo hình khu đền giống như đoàn du thuyền của nàng Tiên Dung mười tám tuổi con gái vua Hùng thứ 18 đang du ngoạn trên sông.

Đền Đa Hòa còn giữ được nhiều di vật quý giá bao gồm tTượng đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân đúc bằng đồng, tầm vóc cỡ như người thật; Ba cỗ ngai thờ Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân có niên đại cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, được coi là cổ nhất của loại hình này hiện còn tìm thấy ở nước ta.

Hàng năm người dân địa phương vẫn tổ chức hội đền Đa Hòa vào ngày 10-12/2 âm lịch. Đây là một dịp để người dân và du khách thập phương được hòa bình vào bầu không khí đậm chất văn hóa của tổng Mễ xưa. 

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 1.

Ngọ môn đền Đa Hòa ở chính giữa, hai bên là Lầu Chuông và Lầu Khánh. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 2.

Qua ngọ môn sẽ đến tiền đường của đền Đa Hòa, bước vào thế giới của tâm tưởng, của Tiên, của Đạo. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 3.

Bên trong tiền đường hiện còn lưu giữ một vài bức hoành, bức trâm khẳng định vị trí, công lao của Đức Thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung: "Nam Hải dị nhân", "Hộ quốc an dân", "Danh cao thiên cổ"... Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 4.

Bên cạnh tiền đường, nét độc đáo của đền Đa Hòa còn nằm ở kiến trúc của tòa Thiên Hương: Các đấu kê xà ngang, xà dài được đẽo gọt hình "con vác" mặt rồng, mình sư tử. Còn các búp sen đều nghiêng xuống như trời đang ban thiên hương - hương thơm may mắn, tốt lành xuống cho chúng sinh. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 5.

Trên mái đền, 18 phiến gạch nhô ra tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 6.

Hiện nay, đền Đa Hòa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, ví dụ như các lọ Bách. Người dân đặt tên cho những chiếc lọ này như vậy vì chúng chứa đựng tinh hoa nghệ thuật gốm cổ, nhiều màu sắc, vân hoa nổi 100 chữ thọ (bách thọ). Mỗi lọ một kiểu dáng, một nét khác nhau. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 7.

Đôi hạc và chiếc vạc đồng đặt ở giữa tòa Thiên Hương là hiện vật có lịch sử từ thời nhà Lý. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 8.

Trong ảnh là 2 bức đại tự ở nhà đại tế, bức trên viết 4 chữ: “Trạch Quốc Tam Thanh”; bức dưới viết 4 chữ “Chí Hiếu Động Thiên”. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 9.

3 pho tượng gỗ thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, Tiên Dung công chúa và Hồng Vân công chúa trong nhà đệ nhị. Ảnh: Linh Trịnh

Đền Dạ Trạch, nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hóa Thánh

Nếu như ngôi đền Đa Hòa nằm tại nơi tác thành thiên tình sử tuyệt đẹp của Chử Đồng Tử và Tiên Dung thì đền Dạ Trạch theo tương truyền được xây dựng tại nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hóa Thánh. Đền Dạ Trạch còn có tên gọi là đền Hóa Dạ Trạch, thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Đền được trùng tu, tôn tạo vào cuối thế kỷ 19. Người chỉ huy xây dựng cũng là tiến sĩ Chu Mạnh Trinh.

Đền Hóa Dạ Trạch còn lưu giữ nhiều cổ vật như sắc phong, hoành phi câu đối, đại tự, đặc biệt là chiếc nón và cây gậy - phép biến hóa của Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế. Tượng cá chép, gọi là ông “Bế”, “Bế ngư thần quan”, tạo hình cá chép đang hóa rồng. Chuông “Dạ Trạch Từ chung” (Chuông đền Dạ Trạch), đúc năm Thành Thái thứ 14 (1902) ghi lại quá trình trùng tu di tích.

Tương truyền, khi quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ thất thế, Nguyễn Trãi đến đền Hóa Dạ Trạch cầu đảo được thần báo mộng vào Lam Sơn, phò Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược.

Lễ hội chính của đền Hóa Dạ Trạch diễn ra từ ngày mùng 10 đến 12 tháng 2 (âm lịch).

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 10.

Khu vực tiền đường của đền Dạ Trạch với Lầu Chuông ở chính giữa và hai bên dãy nhà - nơi chuẩn bị các thủ tục, lễ vật trước khi vào đền. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 11.

Bên trong Lầu Chuông có treo chuông "Dạ Trạch từ chung" (chuông đền Dạ Trạch) được đúc từ năm Thành Thái thứ 14 (1902). Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 12.

Tòa tiền đường của đền Dạ Trạch. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 13.

Bên trong chính điện là không gian thờ tự linh thiêng. Ảnh: Linh Trịnh

Về Hưng Yên thăm đền thờ Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử" của Thần đạo Việt Nam - Ảnh 14.

Ngai thờ có chiếc gậy và nón úp bên trên là linh vật biểu tượng cho phép tiên của Đức Thánh Chử Đồng Tử - chữa bệnh, cải tử hoàn sinh cho dân. Đây cũng chính là điểm khác biệt, điếm nhấn của đền Dạ Trạch so với các ngôi đền cùng thờ Chử Đồng Tử. Ảnh: Linh Trịnh

Cách đi thăm đền Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch 

Cách 1: Từ trung tâm Hà Nội, du khách đi qua cầu Chương Dương; rồi rẽ phải theo tỉnh lộ 195 ôm dọc sông Hồng; đến trung tâm xã Bình Minh, rẽ phải ra bờ sông là tới đền Đa Hòa trước; cuối cùng thăm đền Dạ Trạch ở tỉnh lộ 205.

Cách 2: Tại Bến xe Giáp Bát, bạn lên xe bus tuyến 208 Giáp Bát - Hưng Yên, xuống ở điểm Khoái Châu.

Cách 3: Tại Bến xe Gia Lâm, bạn lên xe khách Phượng Hoàng, xuống điểm gần đền nhất.

Ý kiến của bạn