Về An Giang mùa nước nổi
Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 7-10 âm lịch (nhằm tháng 8-11 dương lịch), nước từ thượng nguồn sông Mekong lại đổ về, theo đó những cánh đồng xanh xanh bởi cây và lúa lại mênh mông sóng nước. Mùa nước nổi là thời điểm lý tưởng để người dân và du khách tận hưởng không khí, cảnh vật, sản vật do mẹ thiên nhiên ban tặng.
Mùa nước nổi là một trong những thời điểm được người dân An Giang, du khách mong đợi nhất trong năm. Đây được xem là biểu tượng của vùng đất hiền hòa, thắm đượm tình cảm. Tùy theo khí hậu mỗi năm mà nước đổ về sớm hay muộn. Nước về trắng đồng, “chở” nặng phù sa, bồi lắng đồng ruộng, mang lại sức sống mới, giúp lúa, cây cối… thêm xanh tốt.
Khi mùa nước nổi về, người dân vùng Tứ giác Long Xuyên quê tôi lại mang lọp, lưới, cần câu… háo hức ra đồng nước giăng lưới.
Chú Ngô Văn Sĩ (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Khi chưa đến mùa nước tôi làm ruộng nhưng mùa này, nước về trắng đồng, những lão nông giống tôi lại thích chèo xuồng rong ruổi trên những cánh đồng ngập lũ, kéo lưới tìm mớ cá, tép nấu bữa cơm cho gia đình. Nếu được nhiều thì mang ra chợ bán cũng vài chục ngàn đồng. Có hôm được nhiều thì bán cũng gần 200.000 đồng. Nhờ đó, vừa có thêm ít tiền để trang trải cuộc sống, vừa giải khuây trong lúc nông nhàn”.
Chị Phan Thị Thắm (ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) cho biết: “Người dân ở quê thường có thói quen đi chợ sớm. Mùa này đi chợ thích lắm! Cá, rau đồng nhiều, cá tươi roi rói”.
Vào mùa nước nổi, lúc sáng sớm, từ chợ quê đến chợ thành thị có rất nhiều thủy sản người dân đem bán sau khi giăng lưới, đổ lọp, đổ dớn. Cá được bà con đánh bắt sẽ được mang ra chợ bán, hoặc làm mắm, xẻ phơi khô để ăn dần.
Không chỉ đem lại sức sống mới cho bà con nông dân nơi đây, mỗi mùa nước về còn đem đến cho người miền Tây nhiều món đặc sản dân dã, như: cá linh, cá rô, cá bông lau, chuột đồng, ếch, cua đồng, lươn, lịch… cho đến các loại rau thủy sinh, như: bông điên điển, bông sung, rau dừa nước…
Đặc biệt, chỉ với con cá linh, người dân quê tôi chế biến ra nhiều món ngon, hấp dẫn, như: cá linh non kho xả ớt, cá linh non chiên bột, cá linh nấu canh chua, ăn với lẩu mắm. Cá linh lớn chiên giòn, nướng mọi ăn kèm nước mắm me, rau sống.
Một trong những món ăn bình dị nhưng lại là đặc sản nổi tiếng, chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương vị, đó chính là lẩu mắm thập cẩm (gồm cá linh, lươn đồng, cá bông lau, cá rô mề…), ăn cùng bông điên điển, bông súng, cù nèo, rau dừa nước, rau đắng…
Đối với những ai yêu thiên nhiên, yêu sông nước, đến An Giang mùa nước nổi là đến đúng mùa du lịch. An Giang được xem là điểm đến lý tưởng để du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp, cùng trải nghiệm cuộc sống của người dân miền sông nước.
Theo đó, du khách có thể tự túc du lịch hoặc đăng ký theo tour của các công ty du lịch, với nhiều hình thức, lịch trình đa dạng. Hiện các công ty du lịch lữ hành và các hộ du lịch nông dân tại An Giang đang khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch mùa nước nổi, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú nhằm phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái của du khách trong và ngoài nước.
Gác lại công việc, cuối tuần, “làm” một chuyến về An Giang mùa nước nổi, du khách có thể cùng theo người dân bơi xuồng giăng lưới, câu cá, bắt cua, hái bông điên điển… Sau đó, hãy thưởng thức những món ăn dân dã sông nước từ những con cá, con cua do mình câu, bắt được. Về An Giang mùa nước nổi, vừa hít khí trời tươi nguyên, vừa được trải nghiệm, sống cuộc sống bình dị của người dân vùng sông nước thì còn gì bằng.
Tin nổi bật
Tin Video