VAR, luật bóng chạm tay ở Ngoại hạng Anh 2021/22 thay đổi thế nào?
Ngoại hạng Anh 2021/22 sắp khởi tranh và chúng ta sẽ được chứng kiến những thay đổi mới về VAR, luật để bóng chạm tay trong vòng cấm, đường kẻ phân định việt vị sẽ dày hơn…
Đường kẻ phân định việt vị dày hơn
Các trọng tài phòng VAR ở Ngoại hạng Anh 2021/22 sẽ sử dụng đường kẻ dày hơn trong các trận đấu mùa này để xác định các quyết định liên quan đến tình huống việt vị. Sáng kiến này xuất hiện sau bài thuyết trình của Trưởng ban trọng tài Mike Riley của FA với các CLB tại cuộc họp chung thường niên trước mùa giải.
Quan chức bóng đá chuyên nghiệp Anh hy vọng sự thay đổi này sẽ mang lại lợi ích cho đội tấn công dựa trên những phản hồi từ các CLB ở Ngoại hạng Anh trong một cuộc khảo sát về VAR ở mùa trước. Như đã biết, IFAB - cơ quan lập pháp của bóng đá - không quy định độ dày tối đa của các đường kẻ, theo luật bóng đá.
Vậy, đường kẻ dày hơn có nghĩa gì và nó đem lại lợi ích gì? Câu trả lời là nó sẽ loại trừ các trường hợp mà ngón chân của cầu thủ khiến anh ta bị việt vị và dẫn đến việc bàn thắng không được công nhận. Những trường hợp này đã khiến rất nhiều NHM, cầu thủ và chuyên gia cảm thấy bực bội vì đã phá hỏng cảm xúc của trận đấu.
Mike Riley nói: “Về cơ bản, chúng tôi muốn cách tiếp cận này cho phép cầu thủ thi đấu thoải mái hơn, còn trận đấu trôi chảy hơn. Có nghĩa là công nghệ VAR sẽ không còn can thiệp vào những lỗi vặt vãnh mà trao cho trọng tài quyền tự quyết định. Vai trò của trọng tài so với VAR sẽ cao hơn ở mùa trước.
Đây là lợi ích rõ ràng đối với cầu thủ tấn công, nhưng khi anh ta ở trong một tình huống việt vị đáng tin hơn, chúng tôi sẽ áp dụng đánh giá theo quy trình VAR năm ngoái, tất nhiên là sẽ sử dụng đường kẻ dày hơn để phân tích. Nhờ đường kẻ dày này, 20 bàn thắng của mùa trước đã không bị từ chối oan uổng. Giờ đây, cầu thủ sẽ không bị việt vị bởi mũi hay móng chân nữa".
Sử dụng VAR như ở EURO 2020
Ở trận bán kết giữa Đan Mạch và Anh, một số người không hài lòng với quyết định cho Tam Sư được hưởng quả phạt đền trong hiệp phụ. Nhưng nhìn chung, việc sử dụng VAR tại EURO 2020 đã thành công một cách kỳ lạ. Điều đáng chú ý là, so với một trận đấu ở Ngoại hạng Anh, UEFA đã tăng gấp đôi số lượng giám sát và một VAR chuyên dụng chỉ tập trung vào lỗi việt vị.
Tình huống được VAR kiểm tra cũng không hiển thị lên màn hình, mà chỉ là quyết định cuối cùng của trọng tài. EURO 2020 cũng có 51 trận đấu, một mẫu nhỏ so với 380 trận đấu trong một mùa giải Premier League, nhưng những kết quả của nó cũng sẽ được xem xét và áp dụng cho Premier League.
Chạm tay trong vòng cấm địa
Tình huống để bóng chạm tay không cố ý trong quá trình dẫn đến một bàn thắng sẽ không còn bị coi là một lỗi nữa. Từ quan trọng ở đây là "dẫn đến". Nhưng nó sẽ bị coi là lỗi nếu pha chạm bóng vô tình đó trực tiếp tạo ra cơ hội ghi bàn thắng hay tạo ra bàn thắng.
Ngoài ra còn có ngôn ngữ mới xoay quanh cách một cầu thủ làm cho cơ thể của họ "to hơn một cách bất thường" trong một tình huống để bóng chạm tay.
Ngôn ngữ mới đó là: "Một cầu thủ được coi là đã làm cho cơ thể của họ to ra một cách bất thường khi vị trí của bàn tay/cánh tay của họ không ở tư thế tự nhiên bởi chuyển động cơ thể trong tình huống cụ thể đó. Bằng cách có bàn tay/cánh tay ở vị trí như vậy, cầu thủ có nguy cơ để bóng chạm tay/cánh tay và đó là một lỗi".
Điều này có nghĩa là, cầu thủ để bóng chạm tay hay cánh tay khi bộ phận này ở vị trí tự nhiên (vung tay, giơ tay) do chuyển động cơ thể như chạy, nhảy gây ra thì bị coi là "không tự nhiên" và đó là phạm lỗi.
Nghe có vẻ khó hiểu hơn, phải không? Mặc dù các tranh cãi chắc chắn sẽ vẫn tồn tại, nhưng điều này cũng sẽ giúp trọng tài có tiêu chuẩn để đánh giá vị trí tay/cánh tay của cầu thủ là tự nhiên hay không tự nhiên, từ đó đưa ra quyết định.
Cách tiếp cận mới về penalty
Mùa giải mới sẽ có một sự điều chỉnh trong cách tiếp cận đối với tình huống phạt đền sau khi chúng ta chứng kiến mức cao kỷ lục 125 quả phạt đền ở mùa giải trước.
Ngoại hạng Anh 2021/22, trọng tài không chỉ xác định liệu có sự va chạm rõ ràng hay không; mà còn xem liệu nó có đủ dẫn đến hậu quả xứng đáng với penalty hay không; và liệu cầu thủ có sử dụng sự va chạm để cố gắng phạm lỗi hay kiếm một quả phạt đền hay không.
"Chỉ nói rằng có tiếp xúc (hay nói đúng hơn là va chạm) là chưa đủ. Bản thân sự tiếp xúc chỉ là một yếu tố mà trọng tài nên tìm hiểu. Nếu cầu thủ có sự tiếp xúc rõ ràng dẫn đến hậu quả, đó là một pha phạm lỗi, nhưng nếu sự tiếp xúc đó không xuất phát từ động cơ chủ quan thì có thể đó không phải là lỗi. Như thế sẽ tránh được những tình huống chỉ tiếp xúc rất nhẹ mà cũng bị thổi penalty", Riley diễn giải.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Anh (EPL) cũng đang cân nhắc sẽ bỏ luật cho phép thay 5 cầu thủ ở mùa giải 2021/22 này. Luật này xuất hiện sau khi bóng đá tái khởi động vào tháng 6/2020 sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.
Những thay đổi về quy trình VAR, những diễn giải mới về việt vị, phạt đền, để bóng chạm tay rõ ràng đều liên quan đến những vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi trong bóng đá từ trước khi VAR được sử dụng tại Premier League. Hãy chờ đón xem tại Ngoại hạng Anh 2021/22, mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào?
Tin nổi bật
Tin Video