Vận tải hàng hóa đường sắt cũng cần 'luồng xanh'?
Vận tải hàng hóa đường sắt lâu nay vốn rất sôi động nhưng khi các địa phương thực hiện giãn cách cũng đã gặp khó, giảm mạnh so với trước.
Vận tải hàng hóa đường sắt, đặc biệt hàng chuyên tuyến Bắc - Nam giảm mạnh do các tỉnh cách ly xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế “luồng xanh” cho hàng vận tải bằng tàu.
Tàu chuyên tuyến giảm đến 50%
Vận tải hàng hóa đường sắt lâu nay vốn rất sôi động, bất chấp dịch Covid-19 vẫn luôn giữ được nhịp tăng trưởng cao. Tuy nhiên, những ngày gần đây khi các địa phương thực hiện giãn cách, lĩnh vực này bắt đầu gặp khó.
Ghi nhận ngày 26/7 tại các nhà ga đường sắt khu vực Hà Nội, sau 3 ngày TP Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, tình cảnh khá đìu hiu.
Tại ga Giáp Bát - ga đầu mối hàng hóa lớn nhất khu vực Hà Nội, nếu những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021 xe vào, ra nườm nượp xếp - dỡ hàng hóa thì nay chỉ còn đầu ga phía Nam tương đối đông. Tuy nhiên chủ yếu là ô tô vào dỡ hàng, lác đác vài vị trí xếp hàng lên toa xe.
Một nhân viên Công ty Dịch vụ vận tải Việt Linh cho biết, hàng dỡ chủ yếu giao khu vực nội thành Hà Nội, nếu không sẽ đưa về kho, chờ giao ngoại tỉnh. Vì hiện nay, xe đi ngoại tỉnh được nhưng khi quay về rất khó khăn.
“Những ngày gần đây, xe đi trả hàng ngay ga Như Quỳnh, Hưng Yên, cách Hà Nội chưa đến 20km mà quay về thì 12h đêm mới được vào Hà Nội. Đó là cả xe, tài xế đều đầy đủ giấy tờ, chủ xe ở ga Giáp Bát. Còn hàng từ ngoại tỉnh vào khó khăn hơn, vì không phải hàng thiết yếu nên rất khó xin cấp “luồng xanh”, nhân viên này cho hay.
Ông Hoàng Văn Triệu, Trưởng ga Giáp Bát cho biết, bình thường tại ga có 7 đôi tàu chuyên tuyến Giáp Bát - Sóng Thần đi - đến, chưa kể tàu khu đoạn vận chuyển hàng nguyên toa. Tuy nhiên, ngày 26/7 chỉ có 2 đoàn tàu chuyên tuyến xuất phát tại ga nhưng cũng không đủ chiều dài đoàn xe theo quy định.
“Đấy là 2 ngày thứ bảy, chủ nhật khách hàng đã có thời gian gom hàng, tập kết về ga, những ngày tiếp theo chắc chắn còn khan hàng nữa nếu vận chuyển ô tô đường ngắn tập kết hàng về ga vẫn như hiện nay”, ông Triệu nói.
Ông Triệu cũng cho biết, tình hình khó khăn từ khi TP HCM và 19 tỉnh phía Nam phong tỏa. Từ đó đến nay, bình quân số đoàn tàu đi - đến ga giảm 30%, bình quân số toa xe xếp - dỡ, tấn xếp - dỡ giảm khoảng 40%. Riêng 3 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách đã giảm khoảng 50% số đoàn tàu chuyên tuyến, giảm khoảng 60% toa xe xếp - dỡ, tấn xếp - dỡ.
Bà Hải Yến, Phó giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần cho biết, hàng từ trong Sóng Thần ra ga Giáp Bát, nếu giao trả trong TP Hà Nội còn đỡ, còn giao ngoại tỉnh quay về rất khó khăn.
Chưa kể có tỉnh, thành yêu cầu người từ Hà Nội đến phải có xét nghiệm PCR, vừa mất thời gian chờ kết quả, vừa tốn kém chi phí; Có nơi như Hải Phòng, nhân viên giao hàng, tài xế từ Hà Nội về giao hàng sẽ phải cách ly, không quay ra được. “Khó khăn như vậy nên hầu hết các doanh nghiệp thông báo tạm dừng vận chuyển hàng theo tàu”, bà Yến cho hay.
Cần “luồng xanh” cho vận tải hàng bằng đường sắt?
Bà Hải Yến cho biết, khách hàng của đơn vị chủ yếu là các doanh nghiệp vận tải, giao - nhận, logistics khu vực TP HCM, Bình Dương… nên hàng hóa vận chuyển bằng tàu phụ thuộc vào vận chuyển đường ngắn bằng ô tô.
Trong khi đó, ô tô đi gom hàng về ga khó khăn, phải đi theo “luồng xanh”, phải có mã QR. Tuy nhiên, nhu cầu xin cấp mã tại các tỉnh, thành quá cao nên chưa cấp kịp. Với ô tô đi trả hàng cũng tương tự.
Theo bà Yến, trong khi nhiều tỉnh thực hiện giãn cách, vận tải hàng bằng đường bộ khó khăn, ách tắc thì vận tải bằng đường sắt sẽ hiệu quả hơn, nhất là an toàn trong phòng dịch. Một xe ô tô hàng cần đến 2 người, nếu đội ngũ xe tải đông đúc đó đi đường dài, họ sẽ phải nghỉ, ăn uống hoặc giao hàng dọc đường, nguy cơ lây nhiễm cao.
Còn nếu hàng đi bằng tàu, một đoàn chở được khoảng 20 container nhưng chỉ cần 2 lái tàu, cần thiết lắm cũng chỉ thêm 3 nhân viên thương vụ. Tàu chạy chủ yếu trên đường, buộc phải tuân theo biểu đồ nên hoàn toàn theo dõi, quản lý được họ trên đường. Khi tàu đến ga, họ cũng không được ra khỏi khu vực ga, tự cách ly tại chỗ, hạn chế giao tiếp.
“Ưu điểm của vận tải hàng bằng đường sắt rất rõ, nhưng không hiểu sao trong các văn bản, chỉ thị của các cấp về vận tải trong mùa dịch không nhắc đến vận tải đường sắt. Cần có quy định riêng về việc này để tháo gỡ ách tắc lưu thông hàng hóa. Có thể cấp mã riêng cho xe đi, đến ga đường sắt. Đường sắt sẽ phối hợp với địa phương trong công tác phòng chống dịch theo qui định”, bà Yến nói.
Ông Trần Văn Nam, Trưởng ban Vận tải Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hiện tàu hàng qua các tỉnh phong tỏa trên toàn mạng lưới đường sắt đều bị ảnh hưởng, không được dừng tác nghiệp hàng hóa. Công tác bốc - xếp hàng hóa, vận chuyển đường ngắn tại các ga cũng vậy nên không chạy được tàu.
“Tàu chạy đường dài nhưng trên đường riêng nên rất dễ theo dõi, quản lý, mức độ rủi ro lây nhiễm rất thấp. Còn vận tải đường ngắn từ tỉnh nọ sang tỉnh kia để tập kết - trả hàng, tuyến di chuyển mà không qua nhiều vùng dịch nguy hiểm, dễ kiểm soát, nên có cơ chế riêng để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa bằng đường sắt”, ông Nam kiến nghị.
Ông Bùi Thế Thành, Trưởng phòng phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường sắt VN cho hay, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vận tải đường ngắn về các ga đầu mối. Khách hàng có thể xếp hàng tại các ga ngoài khu vực cách ly, tránh vào nội tỉnh, từ đó lập tàu khu đoạn đưa về ga đầu mối như Giáp Bát, Yên Viên… Tuy nhiên, lượng hàng phải đủ lớn để lập tàu, hơn nữa sẽ đội chi phí nên khách hàng khó mà theo được.
“Để hỗ trợ cho vận tải hàng hóa đường sắt, nên có cơ chế cấp “luồng xanh” riêng cho vận tải ô tô đường ngắn đi - đến các ga đầu mối hàng hóa lớn như Giáp Bát… Điều này vẫn cần có ý kiến của các cơ quan y tế, cơ quan có thẩm quyền phòng, chống dịch”, ông Thành nêu.