Văn hóa giao thông ngày càng đi xuống vì sự vô tâm, thiếu ý thức của người sử dụng phương tiện
(VOVTV) - Từ đầu năm đến nay các vụ việc va chạm, tai nạn trên các cung đường tăng lên, và không ngẫu nhiên văn hóa giao thông có phần đang đi xuống.
Còn nhớ năm ngoái, một xe ô tô cán lên xe máy và người, rồi điểm nhiên kéo lê nạn nhận đi hàng trăm mét tại Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Rõ ràng hiện tượng này không chỉ phản văn hóa mà còn coi thường sinh mệnh người khác.
Hay cách đây không lâu, một nữ lãnh đạo (Hải Phòng) khi đi ô tô va chạm với xe máy, gây tai nạn nhưng vẫn thản nhiên tuyên bố: "Tính mạng của nạn nhân tôi không quan tâm bằng xe ô tô của tôi" đang làm dư luận bức xúc. Thật là đáng báo động đỏ về những kiểu ứng xử vi phạm đạo đức trong văn hóa giao thông!
Có thể lý giải những nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn và tai nạn trên các cung đường như sau:
Một là: Ảnh hưởng của tác phong tiểu nông, manh mún.
Hai là: Sự tôn trọng kỷ cương, pháp luật trong một số bộ phận quần chúng còn yếu kém (như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá tải, không đội mũ bảo hiểm…)
Ba là: Đặt lợi ích riêng lên trên (chen lấn trên đường, vượt ẩu để nhanh hơn vài phút…) chỉ cần mình được việc. Coi thường sinh mệnh người khác.
Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Hoàng Tiến Nam – Thượng tá, trưởng phòng CSGT tỉnh Hải Dương cho rằng: "Tai nạn xảy ra do nhiều nguyên nhân. Do văn hóa giao thông của người đi đường, do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, rồi chất lượng của đường không tốt, một số quy định, tiêu chuẩn (thuộc về trách nhiệm tổng cực đường bộ) còn chưa hoàn thiện… Nhưng khi tai nạn giao thông xảy ra thì lỗi cứ như mặc định thuộc về cảnh sát giao thông.
Cảnh sát giao thông chúng tôi như vậy phải chịu trách nhiệm về những lỗi mà không phải do chúng tôi gây ra. Rất mong mọi người hiểu biết và chia sẻ cùng lực lượng CSGT. Theo tôi trước mắt cần giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân về Luật ATGT, ý thức chấp hành Luật ATGT, để nâng cao văn hóa giao thông".
Có một lý do nữa, cần nói thêm như số cung đường miền núi phía Bắc, Tây Bắc hay có tình trạng thanh niên uống rượu say lái xe, phóng ẩu gây tại nạn giao thông hoặc gây nguy hiểm, nguy cơ tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng hoặc chưa đủ để kiểm soát hết các hoạt động giao thông đang diễn ra hàng ngày, tại nhiều địa điểm khác nhau. Đơn cử như Quốc lộ 2 chạy xuyên từ dưới Vĩnh Phúc, qua Tuyên Quang rồi tới Hà Giang, là con đường huyết mạch, quan trọng của miền Bắc. Tại quốc lộ này, có số lượng xe container rất lớn cùng các loại phương tiện giao thông khác tham gia, chạy suốt ngày đêm. Nhưng dọc quốc lộ này, với khoảng 300km mà số lượng cảnh sát giao thông tại các khu vực này còn ít (chỉ có 2 trạm: 28 và Vĩnh Tuy).
Ngoài ra có các lực lượng CSGT của tỉnh, nhưng cũng còn mỏng. Thiết nghĩ, địa phương nên có hướng giáo dục về luật lệ giao thông cho những người tham gia giao thông bên cạnh việc xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm luật ATGT tại các vùng này.
Vậy, rõ ràng là để giảm thiểu tai nạn giao thông trước mắt thì cần nâng cao văn hóa giao thông, giáo dục luật lệ giao thông cho người dân, đảm bảo các cung đường có quy định và tiêu chuẩn chất lượng theo đúng luật của Nhà nước…
Tin nổi bật
Tin Video