Tin tức

'Ván cờ' Ukraine: Nếu cả Nga và Mỹ đều thắng thì ai sẽ thua?

Nhiều nhà phân tích cho rằng, mục đích của Tổng thống Putin huy động lực lượng áp sát biên giới Ukraine, chủ yếu là để buộc phương Tây phải đối thoại về phạm vi ảnh hưởng và lợi ích ở Đông Âu.

18/02/2022 10:00

Một cuộc tấn công quy mô lớn không phải là kịch bản duy nhất dành cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Giải pháp ngoại giao có thể vẫn là điều mà Tổng thống Putin – người đã yêu cầu triển khai hàng trăm nghìn binh sỹ đến sát biên giới Ukraine, chờ đợi. Trong cuộc khủng hoảng kéo dài 20 tuần qua, Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và Anh đã gây tâm lý hoảng loạn khi liên tiếp cảnh báo về nguy cơ Nga tấn công Ukraine.

'Ván cờ' Ukraine: Nếu cả Nga và Mỹ đều thắng thì ai sẽ thua? - Ảnh 1.

Lính đổ bộ đường không Nga trước cuộc diễn tập tại Taganrog ngày 22/4. Ảnh: AP.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, mục đích của Tổng thống Putin huy động lực lượng áp sát biên giới Ukraine, chủ yếu là nhằm buộc phương Tây phải đối thoại về phạm vi ảnh hưởng và lợi ích ở Đông Âu.

Ronald Suny, Giáo sư Lịch sử và Khoa học Chính trị, Đại học Michigan – người dành gần như toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu lịch sử Nga cho biết, ông nhìn nhận cuộc khủng hoảng hiện nay trong bối cảnh rộng lớn hơn. Nếu tổng hợp tất cả các sự kiện trong những tuần qua, có thể thấy cuộc khủng hoảng này là dư âm từ sự tan rã của Liên Xô vào đầu những năm 1990. 30 năm trôi qua, cấu trúc của cái gọi là “trật tự thế giới mới” vẫn đang được xây dựng.

Nga ngày càng cảm nhận được sự mở rộng của phương Tây và muốn khôi phục ảnh hưởng đã mất của mình. Hơn nữa, nước này còn phải đối mặt với Mỹ - một quốc gia cũng đang lo sợ suy giảm sức mạnh trên toàn cầu, sau sự kiện rút quân khỏi Afghanistan và mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc. Sự đối đầu giữa hai cường quốc khiến Ukraine giống như một “con cờ” ở giữa.

Duy trì “chiều sâu chiến lược”

Chuyên gia Ronald Suny nhận định, những gì đang diễn ra ở Ukraine phù hợp với một khái niệm quân sự, được gọi là “chiều sâu chiến lược”. Chiều sâu chiến lược là một thuật ngữ đề cập đến khoảng cách giữa chiến tuyến hoặc chiến trường giữa một quốc gia và những bên mà họ coi là phe đối đầu.

Trong chiến tranh Lạnh, Liên Xô có chiều sâu chiến lược rất lớn. Hiệp ước Warsaw đã tạo ra một liên minh các quốc gia thân Liên Xô ở Đông Âu, hợp thành rào cản giữa Liên Xô và phương Tây.

Nhưng từ năm 1991, NATO đã mở rộng về phía Đông, kết nạp nhiều nước mà trước đây từng thuộc Khối hiệp ước quân sự Warsaw nhưu Ba Lan, Romania và Bulgaria.

Tại hội nghị ở Bucharest vào tháng 4/2008, lãnh đạo các nước NATO đã hoan nghênh nguyện vọng gia nhập khối của Ukraine và Gruzia, cho biết họ sẽ mở rộng cánh cửa để hai quốc gia này có thể trở thành thành viên trong tương lai. Vài tháng sau đó, Nga đã gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng, nước này không chấp nhận việc NATO kết nạp thêm các nước từng thuộc Liên Xô cũ. Trong suốt 13 năm tiếp theo, các cuộc thảo luận của NATO đã lắng xuống.

“Chiều sâu chiến lược” của Nga đã bị thu hẹp đáng kể từ đầu những năm 1990 và Tổng thống Putin dường như đang lo ngại rằng, nó sẽ bị xói mòn hơn nữa. Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của NATO, đã bán máy bay không người lái Bayraktar cho Ukraine. Trong khi Mỹ đặt tên lửa tại Ba Lan và Romania, tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực Baltic và điều quân đến Đông Âu.

Ông Putin không muốn một quốc gia láng giềng rơi vào tầm ảnh hưởng của NATO, trái lại, muốn tạo ra một vùng đệm. Để thực hiện được điều này, Nga cần gây sức ép mạnh mẽ buộc Mỹ và NATO phải ngồi vào bàn đàm phán.

Chuyên gia Ronald Suny cho rằng, Tổng thống Putin có xu hướng thận trọng và thực tế trong chính sách đối ngoại. Ông không phải “nhà lãnh đạo thất thường” như những gì mà truyền thông phương Tây mô tả.

Ông biết rõ Nga không có nhiều lợi thế khi đương đầu với phương Tây. Ngân sách quốc phòng của Nga chỉ bằng khoảng 8% so với ngân sách quốc phòng của Mỹ. Trong khi ngân sách chung của NATO lớn gấp 20 lần so với khoản chi tiêu quốc phòng của Nga. Nền kinh tế nước này cũng đang sụt giảm. Là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ, Nga đang phải đối mặt nhiều thách thức khi phải chịu một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nga cũng nhận thức rõ họ không thể sa lầy vào cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine sau khi rút ra bài học từ sự can dự của Mỹ vào Afghanistan. Nói tóm lại, một cuộc tấn công Ukraine sẽ là thảm họa với Nga. Chính vì vậy, Moscow có lẽ muốn tận dụng triệt để các biện pháp gây sức ép.

Nga và Mỹ đều giành chiến thắng?

Bằng chiến lược của mình, Tổng thống Putin đã có được một số lợi ích từ cuộc khủng hoảng. Chiến thắng lớn nhất của nhà lãnh đạo Nga là chứng tỏ khả năng xoay chuyển tình hình căng thẳng theo ý muốn. Ông không mất nhiều thời gian để bố trí một lực lượng quân sự lớn gần Ukraine. Ngay cả khi Nga đã tuyên bố rút bớt quân thì lực lượng này vẫn có thể quay trở lại trong thời gian ngắn. Viện dẫn những lo ngại về an ninh, Nga luôn có lý do để tiến hành tập trận.

Vào năm 2021, quân đội Nga đã chi khoảng 86% trong khoản ngân sách 1.000 tỷ rúp (13,2 tỷ USD) được phân bổ để tài trợ cho các cuộc tập trận ở Tây Nam và cả ở Belarus. Tổng thống Putin dường như nhận ra rằng việc bí mật tiến hành hoạt động luân chuyển quân không hiệu quả, và công khai hoạt động này có thể giúp ông gây sức ép mà không cần tốn một viên đạn. Nhà phân tích quân sự Rob Lee nhận định, Nga nhiều khả năng không có ý định tấn công, bởi nếu một cuộc tấn công nằm trong kế hoạch, quân đội Nga sẽ không công khai đăng tải những hình ảnh về việc điều động quân đội.

Trong những tuần gần đây, động thái này của Nga đã khiến Tổng thống Putin thu hút được sự chú ý từ các nhà lãnh đạo phương Tây, thậm chí nhiều hơn so với sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014. Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm với ông. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và một loạt các bộ trưởng Anh vội vã tới Moscow để yêu cầu ông ngừng tấn công.

'Ván cờ' Ukraine: Nếu cả Nga và Mỹ đều thắng thì ai sẽ thua? - Ảnh 2.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Moscow hôm 7/2. Ảnh: Reuters

Những cuộc gặp này cho phép ông bày tỏ bất bình và đưa ra yêu cầu với phương Tây. Ngay cả khi yêu cầu này không được đáp ứng, chúng vẫn gieo vào đầu các nhà lãnh đạo phương Tây rằng Nga cần được cung cấp một sự đảm bảo nào đó vì xét cho cùng Moscow có quyền lo lắng về vấn đề an ninh của họ.

Cây bút Margarita Simonyan của RT cho rằng: “Trước đây, không ai muốn đối thoại với chúng tôi về vấn đề an ninh, giờ đây có rất nhiều người muốn biết quan điểm của Nga”.

Không chỉ Nga, Mỹ cũng là bên chiến thắng trong ván cờ này, Leonid Bershidsky, cây bút bình luận của Bloomberg (Mỹ) nhận định. Theo ông Leonid Bershidsky, Tổng thống Biden đang đi đầu trong cuộc chiến thông tin. Chính quyền Mỹ đã sử dụng thông tin thu thập được từ các nguồn tình báo và công bố chúng để tạo cảm giác đi trước ông Putin một bước. Và trong khi ông Biden còn chưa bắt đầu đàm phán thì Tổng thống Putin và các quan chức dưới quyền ông đã phải nếm trải sự khước từ hết lần này đến lần khác.

Nhà phân tích Leonid Bershidsky ví von rằng nếu đây là một trận đấu trên khán đài thì ông Biden giống như một võ sỹ “đang nhẹ nhàng vờn vẽ” quanh một đối thủ nóng gáy hơn – người sẵn sàng tung ra những cú đánh dữ dội. Hình ảnh này phù hợp với những kinh nghiệm lâu năm của ông Biden trên chính trường. Có thể nói rằng, chính sách đối phó Nga của Mỹ đang tạo ra tầm ảnh hưởng ngoài sức tưởng tượng. Trong vài tuần ngắn ngủi, vị thế của Washington trên chính trường châu Âu đã thay đổi hoàn toàn.

Ông Leonid Bershidsky cho rằng, Ukraine có lẽ là bên chịu thiệt thòi nhất trong ván cờ này. Cảnh báo của Mỹ và phương Tây về một cuộc tấn công của Nga đã khiến các nhà đầu tư không dám đặt chân đến Ukraine. Việc các nhà ngoại giao tháo chạy và phóng viên chiến trường kéo đến không phải điều mà một quốc gia mong đợi. Đồng nội tệ hryvnia giảm khoảng 8% kể từ giữa tháng 11, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu và sự sụt giảm dự kiến sẽ nặng nề hơn nếu không có sự can thiệp của ngân hàng quốc gia. Ukraine đã phải nỗ lực hết sức để giữ cho các hãng hàng không nước ngoài duy trì chuyến bay đến Kiev.

Tất cả những gì Ukraine nhận được là lời hứa về khoản vay trị giá 1 tỷ USD của chính phủ Mỹ và một số lô hàng vũ khí mà Mỹ cùng đồng minh cam kết cung cấp cho nước này. Nhưng tất cả các bên đều hiểu, dù được trang bị tốt thì Ukraine sẽ khó có thể chiến thắng trong một cuộc chiến với Nga.

Điều mà Tổng thống Ukraine Zelensky có thể làm là giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh. Một thỏa hiệp về mặt chính trị với Tổng thống Putin không phải điều khả thi đối với ông, vì thế ông sẽ phải cầm cự và theo dõi cuộc đấu trí giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ. Đây là một tình thế hiếm ai có thể vượt qua được./.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn