Vải thiều Bắc Giang sẵn sàng 3 phương án tiêu thụ trong đại dịch Covid-19
(VOVTV) - Năm 2021, là năm thứ 2 liên tiếp vải thiều Bắc Giang gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngày 17/5, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch 2189/KH-UBND về tiêu thụ và chế biến vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218 ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng.
Ghi nhận tại huyện Lục Ngạn, nơi được coi là vựa vải thiều lớn nhất Bắc Giang. Tại đây người dân cho biết, so với các năm trước, năm nay vải thiều tiếp tục được mùa. Bên cạnh niềm vui được mùa, người dân trồng vải thiều không khỏi thấp thỏm, lo sợ sẽ không có người mua, lo bị ép giá, mất giá, khi chỉ còn vài ngày nữa là vải sớm được thu hoạch.
Do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biết phức tạp. Trong khi thời vụ thu hoạch vải thiểu đang chuẩn bị diễn ra, thời gian dự kiến khoảng từ ngày 20/5 đến 30/7. UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành 3 phương án hỗ trợ nhân dân tiêu thụ và chế biến vải thiều. Cụ thể:
Phương án 1: Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn). Với tình huống này, tiêu thụ tại thị trường trong nước tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart…; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử.
Phương án 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát: Sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, khoảng 130.000 tấn, 30% xuất khẩu, khoảng 50.000 tấn. Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các Tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống…
Phương án này tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như: Thủ Đức, Bình Điền (TP Hồ Chí Minh); Long Biên (Hà Nội); Hòa Cường (Đà Nẵng)… sản lượng khoảng 55.000 tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20.000 tấn; sàn thương mại điện tử 2.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải được sấy.
Phương án 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Theo đó, hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân tại thị trường trong nước. Tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm.
Xác định kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối là chủ yếu, khoảng 60.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các DN chế biến xuất khẩu gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH một thành viên Dũng Sỹ, Công ty Thực phẩm Á Châu… 30.000 tấn. Còn lại tiêu thụ vải tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại. Tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy và chế biến khác.
Ngoài ra, thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, chiều ngày 14/5 đơn vị đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh thu mua vải thiều Bắc Giang trên cơ sở thống nhất của Bộ y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Ngoại giao trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ, kịp thời và an toàn trong phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, UBND huyện Lục Ngạn đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang cùng các Bộ ngành liên quan đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép 164 thương nhân Trung Quốc đầu tiên (đợt 1) nhập cảnh sang Lục Ngạn thu mua vải thiều.
Đến nay, UBND huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị sẵn phương án cách ly phòng dịch Covid-19. Theo đó, các thương nhân Trung Quốc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 của nước sở tại trong vòng 3 ngày. Sau đó, những người này sẽ phải cách ly y tế tập trung 21 ngày; lấy mẫu xét nghiệm 3 lần; đồng thời tiếp tục theo dõi thêm 7 ngày sau thời gian cách ly để phòng dịch.
Năm 2020 nhờ chủ động các phương án tiêu thụ, sản xuất vải thiều nên mặc dù dịch Covid-19 tác động nặng nề nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn thu được gần 7.000 tỷ đồng từ vải thiều và các dịch vụ liên quan, cao nhất từ trước đến nay.
Tin nổi bật
Tin Video