Vaccine Covid-19 của Sinopharm (Trung Quốc) hiệu quả hạn chế trước Omicron
(VOVTV) - Một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy, sau khi tiêm hai liều vaccine Covid-19 của Sinopharm gần như không đo thấy kháng thể chống lại các biến thể của Omicron. Sau khi tiêm liều nhắc lại, cũng chỉ có một số người có được kháng thể.
Thông tin trên được đăng trên trang China Business News (CBN) của Trung Quốc. Theo đó, tạp chí “The Lancet” ngày 20/6 đã công bố một nghiên cứu về vaccine quy mô nhỏ của một nhóm nghiên cứu Trung Quốc, kết quả cho thấy sau khi tiêm hai liều vaccine bất hoạt Covid-19 (BBIBP-CorV do CNBG sản xuất) của Sinopharm, gần như không thể đo được kháng thể trung hòa chống lại một số biến thể phụ của Omicron, sau khi tiêm liều tăng cường kháng thể cũng chỉ được phục hồi một phần.
Trong số 25 người được tiêm hai liều vaccine BBIBP-CorV, kháng thể trung hòa chống lại các biến thể phụ của Omicron như BA.1, BA.2, BA.2.11, BA.2.12.1, BA.2.13 và BA.4/BA.5 “không phát hiện được hoặc chỉ có kháng thể trung hòa ở mức tối thiểu.”
Kháng thể trung hòa chống lại biến thể phụ Omicron chỉ được phát hiện ở 24%-48% trong số 25 người này sau khi họ được tiêm một liều tăng cường vaccine bất hoạt cùng loại. Tỉ lệ này tăng lên đôi chút là 30%-53% trong một nhóm khác gồm 30 người sau khi tiêm liều thứ ba một loại vaccine khác (vaccine protein tái tổ hợp ZF2001), do Công ty sinh phẩm ZFSW của Trùng Khánh sản xuất và được chấp thuận sử dụng ở Trung Quốc.
BBIBP-CorV là một trong hai loại vaccine do Sinopharm sản xuất. Loại vaccine này không chỉ được chấp thuận sử dụng trên quy mô lớn ở Trung Quốc, mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.
Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu, nhiều người bị nhiễm dòng phụ BA.2.2 sau khi đã tiêm ba liều vaccine hơn những người bị nhiễm chủng BA.1. Các tác giả nghiên cứu viết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy các biến thể phụ mới của Omicron, như BA.2.12.1, BA.4 và BA.5, có thể dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới.”
Tuy nhiên, do nghiên cứu trên sử dụng quy mô mẫu nhỏ, nên có nhà nghiên cứu cho rằng chưa thể đưa ra kết luận chính xác.
Tin nổi bật
Tin Video