Vaccine AstraZeneca tiếp tục gây tranh cãi tại châu Âu với nghi ngờ gây đông máu
(VOVTV) - Các tranh cãi xung quanh nghi vấn Vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca gây nên hiện tượng đông máu tại một số bệnh nhân lại nổi lên khi một quan chức cấp cao của Cơ quan dược phẩm châu Âu ngày 6/4 tuyên bố có mối liên hệ giữa vaccine của hãng dược này với hiện tượng trên.
Tranh luận xung quanh các tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca lại nóng trở lại trong ngày 6/4 tại châu Âu khi trong buổi sáng cùng ngày, tờ báo "Người đưa tin" (Il Messagero) của Italia đăng tải bài trả lời phỏng vấn của người đứng đầu bộ phận vaccine của Cơ quan dược phẩm châu Âu, ông Marco Cavaleri trong đó ông Cavaleri tuyên bố "có thể khẳng định là có mối liên hệ rõ ràng giữa vaccine AstraZeneca với hiện tượng đông máu ở một số bệnh nhân được tiêm vaccine nhưng hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác ra sao".
Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, một chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của Anh là Giáo sư Neil Ferguson của trường Hoàng gia London cũng nhận định trên đài BBC của Anh rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có một rủi ro hiếm gặp đối với vaccine của AstraZeneca có thể dẫn đến việc đông máu và rủi ro này có thể liên quan đến độ tuổi hoặc giới tính của người được tiêm vaccine.
Tuy nhiên, trong thông cáo chính thức được đưa ra trong chiều ngày 6/4, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết cơ quan này vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng về việc vaccine AstraZeneca có phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng đông máu ở một số bệnh nhân hay không và sẽ sớm tổ chức họp báo trong ngày 7/4 hoặc 8/4 để thông báo.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới – WHO cũng phát đi thông tin cho biết nhóm chuyên gia của tổ chức này vẫn đang theo dõi kỹ các diễn biến của cuộc điều tra các tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca nhưng ở thời điểm hiện tại, WHO không thấy có lí do gì để đưa ra khuyến cáo tạm ngưng sử dụng loại vaccine này, do các lợi ích mà vaccine này mang lại vẫn cao hơn so với rủi ro.
Dù vậy, trong chiều ngày 6/4, trường Đại học Oxford của Anh, nơi nghiên cứu thành công vaccine của AstraZeneca, cũng cho biết sẽ tạm ngưng các thử nghiệm loại vaccine này trên trẻ em để tiến hành các điều tra kỹ hơn và chờ đợi quyết định của cơ quan dược phẩm Anh.
Tại châu Âu, vaccine của hãng dược AstraZeneca đã tạo ra rất nhiều tranh cãi kể từ khi được đưa vào sử dụng đầu năm nay. Tháng trước, nhiều nước châu Âu đã tạm ngưng sử dụng vaccine AstraZeneca sau khi phát hiện nhiều trường hợp bị đông máu sau khi tiêm.
Tuy nhiên, sau đó Cơ quan dược phẩm châu Âu – EMA đã bật đèn xanh cho việc tiếp tục sử dụng loại vaccine này. Trong tuần này, một số nước như Đức tiếp tục quyết định không tiêm vaccine này cho những người dưới 50 tuổi.
Các tranh cãi này khiến uy tín của vaccine AstraZeneca bị ảnh hưởng nặng nề dù đây là loại vaccine được sử dụng nhiều nhất tại châu Âu hiện nay. Tại một số nước, đặc biệt là Pháp, rất nhiều lô vaccine AstraZeneca đã không được sử dụng do người dân không tin tưởng tiêm loại vaccine này.
Trong khi đó, giới chức châu Âu tiếp tục đổ lỗi cho hãng dược AstraZeneca là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của chiến dịch tiêm vaccine tại châu Âu. Ủy viên phụ trách công nghiệp và thị trường nội địa của EU, ông Thierry Breton ngày 6/4 cho rằng, nếu AstraZeneca hoàn thành cam kết cung cấp đủ số liều vaccine cho EU trong quý I năm nay, các nước châu Âu đã có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng ngang với Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, ông Thierry Breton cũng khẳng định, đến giữa tháng 7/2021, châu Âu vẫn có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
"Đến giữa tháng 7, các lô vaccine được đặt hàng sẽ được giao và khi đó sẽ có 420 triệu liều vaccine cho Liên minh châu Âu. Đây là số lượng cần thiết để tiêm cho 70% dân chúng trưởng thành tại châu Âu và qua đó, có thể giúp châu Âu tiến gần hơn đến mục tiêu, mặc dù rất thận trọng nhưng có thể đạt được, đó là miễn dịch cộng đồng". ông Thierry Breton nói.
Tin nổi bật
Tin Video