Ủy ban TVQH: Đề nghị làm rõ công tác điều hành giá xăng dầu
(VOVTV) - Tại phiên họp hôm nay 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ công tác điều hành giá xăng dầu, khi tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thua lỗ và phải đóng cửa.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá CPI bình quân 9 tháng của năm nay tăng 2,73%, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Chính phủ khẳng định công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai để giảm giá xăng dầu; chủ động phương án điều hành giá xăng dầu, kịp thời điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường, trích lập Quỹ bình ổn phù hợp, giúp giảm đáng kể áp lực chi phí đầu vào, hỗ trợ tiêu dùng.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra áp lực lạm phát lớn do chi phí nhập nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao theo giá thế giới. Trong khi đó, giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt, vẫn ở mức cao và rất khó dự báo. Các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là rất lớn, khó lường, nhất là biến động về giá xăng dầu, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kiến nghị: “Xăng dầu của chúng ta có thể nói là không dự báo được. Bởi vì không biết là cuộc chiến giữa Nga và Ukraina chưa biệt khi nào kết thúc. Vì vậy, thẩm quyền điều chỉnh thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt là thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy, chúng tôi muốn đề nghị Quốc hội ủy quyền cho TVQH để khi có biến động về xăng dầu chúng tôi trình nhanh, tránh xung đột như hiện nay”.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, việc tăng giá trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thua lỗ. Thực trạng này dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán cho khách hàng. Đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân trong công tác điều hành giá xăng dầu, rút ra bài học và có giải pháp ứng phó kịp thời khi giá thế giới có diễn biến bất lợi trong tương lai. Đồng thời đề nghị làm rõ tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu vì trong khi giá xăng dầu giảm, nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao; đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực thực phẩm…gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục theo dõi sát tình hình giá thế giới và trong nước để đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu./.
Tin nổi bật
Tin Video