Doanh nghiệp - Doanh nhân

Ước tính doanh nghiệp phải đóng hơn 6.000 tỷ mỗi năm để tái chế 3 loại bao bì

(VOVTV) - Các hiệp hội ngành nghề vừa đồng loạt có kiến nghị góp ý về dự thảo định mức chi phí tái chế về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu ở Việt Nam (EPR). Dự thảo đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi.

Tác giả PV/VOV TP.HCM
31/07/2023 12:20

Bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam cho biết: Định mức tái chế (Fs) trong dự thảo bản mới nhất đang cao hơn trung bình 14 nước Tây Âu. Đơn cử, với bao bì nhôm cao gấp 1,26 lần, còn với thủy tinh cao hơn 2,12 lần.

photo-1690779922918

Bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam

Theo bà Vân Anh, chỉ tính riêng 3 loại bao bì chính là giấy, nhựa và kim loại, các doanh nghiệp phải đóng phí tái chế ước tính là 6.127 tỷ mỗi năm. Đây là một khoản chi phí rất lớn, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy giá sản phẩm tăng cao.

Trình bày về khó khăn đối với việc tái chế, bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết: Ngành bao bì nhựa là ngành gia công với công nghệ đơn giản, dễ làm nên biên lợi nhuận rất thấp khoảng 5%. Tuy nhiên, với mức phí Fs như dự thảo thì chỉ riêng tiền đóng góp tái chế đã chiếm gần 40% lợi nhuận của doanh nghiệp.

photo-1690779924222

Bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam

"Những doanh nghiệp lớn trong ngành, có nhà máy trong các khu công nghiệp có thể đầu tư xây dựng nhà máy tái chế ngay cạnh, có thể xử lý đạt yêu cầu về môi trường. Có như vậy, ngành tái chế mới đi nhanh và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu rất cần nhựa tái chế đạt chất lượng, nhưng hiện trong nước chưa làm được", bà Mỹ kiến nghị.

Về phía cơ quan soạn thảo, ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc xây dựng mức phí Fs dựa trên khảo sát tại 70 cơ sở tái chế. Theo các đơn vị này, mức phí tái chế còn thấp và chưa đủ sức hấp dẫn.

photo-1690779924907

Ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ông Hùng khẳng định, việc đóng phí Fs là sự lựa chọn chứ không bắt buộc. Trường hợp doanh nghiệp sản xuất hoặc nhà nhập khẩu không tự tái chế được thì nộp tiền để hỗ trợ các cơ sở tái chế.

Ý kiến của bạn