Ứng phó áp thấp nhiệt đới: Không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm
(VOVTV) - Chiều 6/10, tại cuộc họp Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai với các địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên bàn giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, các đại biểu thống nhất, các địa phương cần không để tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Nhận định tại cuộc họp cho thấy, quỹ đạo và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới phức tạp có thể mạnh lên thành bão. Công việc cần tập trung hiện nay là kịp thời thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu cá đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Cho đến thời điểm này, 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã thực hiện lệnh cấm biển đối với tàu thuyền.
Liên quan đến hơn 200 tàu, thuyền với gần 2.000 lao động của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang hoạt động giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Cập nhật đến 14h chiều nay (6/10), số phương tiện của tỉnh Quảng Nam đã giảm 11 phương tiện với hơn 102 lao động; tỉnh Quảng Ngãi còn 13 phương tiện và tỉnh Bình Định còn 129 phương tiện.
Cơ bản các phương tiện này đã nắm được các thông tin và đang di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Quảng Nam, hiện nay có một số phương tiện đang thả neo dù trên biển để chờ áp thấp nhiệt đới đi qua tiếp tục khai thác. Việc thả neo dù này chỉ áp dụng trong điều kiện thời tiết cấp 4 và cấp 5 và trong thời gian ngắn, chứ như dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão thì hết sức nguy hiểm.
"Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo cho lực lượng ở cơ sở, đặc biệt là chính quyền các xã phối hợp với Đồn biên phòng triển khai các biện pháp ứng phó nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đề nghị chỉ đạo cho các Đồn biên phòng căn cứ vào điều kiện dịch bệnh tại các địa phương cử cán bộ xuống phối hợp với cấp xã đến các gia đình mà hiện nay có các phương tiện còn đang nằm trong vùng nguy hiểm để cảnh báo, vận động, yêu cầu thuyền trưởng phải di dời, tránh tình trạng thả dù như thế là không đảm bảo an toàn", Đại tá Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm.
Chủ động phương án ứng phó, đến nay, các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã lên phương án sơ tán hơn 71.000 hộ dân với khoảng 291.000 người ở khu vực ven biển. Thống kê cho thấy, hiện các địa phương có khoảng 7.690 ca F0, các phương án rà soát đối tượng trong diện F0, F1 đã được địa phương chủ động triển khai cách ly khi sơ tán.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai nêu rõ, ngoài nguy cơ mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực miền Trung còn hứng chịu chuỗi thiên tai khác như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở tại khu vực miền núi, nguy cơ mất an toàn hồ đập.
Các địa phương cần khẩn trương thông báo, yêu cầu các tàu thuyền còn hoạt động ở vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn, có phương án đảm bảo cho người và tài sản. Ngoài các tàu thuyền khai thác thủy sản, cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải, tàu phục vụ các công trình ven bờ.
Khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện mưa lớn, do đó, các địa phương cần có phương án sơ tán dân khỏi vùng thấp trũng, những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
"Tập trung máy móc, thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Đợt này, nguy cơ thiên tai ảnh hưởng phạm vi rất rộng cả trên biển, đồng bằng và khu vực miền núi. Tránh tình trạng người là bà con lại phải tự lo lấy để đảm bảo an toàn cho mình. Đề nghị Bộ Ngoại giao chuẩn bị sẵn sàng công hàm gửi các quốc gia vùng lãnh thổ để cho tàu thuyền, các ngư dân vào được trú tránh", ông Hoài nói.
Tin nổi bật
Tin Video