Ứng dụng quản lý người cách ly tại nhà ở TP.HCM
Kết hợp giữa chụp ảnh nhận diện và định vị, ứng dụng giúp cơ quan địa phương quản lý tốt hơn người cách ly tại nhà.
Việc cách ly tại nhà đối với F0 đang được thí điểm tại TP.HCM. Ngày 14/7, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM đã ban hành kế hoạch để quản lý, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà.
Theo đó, việc quản lý các trường hợp cách ly tại nhà có thể ứng dụng giải pháp công nghệ, cụ thể là app Vietnam Health Declaration (VHD).
Tích hợp vào app có sẵn
Theo chia sẻ của đại diện Viettel Solutions, đơn vị phát triển ứng dụng, giải pháp quản lý người cách ly tại nhà được xây dựng trên app có sẵn là VHD. App này có thể tải về từ kho ứng dụng App Store hay Google Play.
Tính năng được phát triển từ cuối tháng 6, và sẽ được triển khai tại TP.HCM trong tháng 7. Bản cập nhật app trong thời gian tới sẽ được tích hợp tính năng khai báo y tế cho người cách ly.
Khi mở ứng dụng, người dùng có thể nhìn thấy phần “khai báo y tế cho đối tượng cách ly”. Tùy thuộc vào yêu cầu, cơ quan y tế địa phương có thể yêu cầu người cách ly khai báo theo các khung giờ.
Trong phiên bản thử nghiệm hiện tại, người sử dụng được yêu cầu khai báo 3 lần trong ngày, với các khung 8-12h, 14-16h, và 18-20h.
Khi bấm vào khai báo y tế, người dùng sẽ được yêu cầu điền thông tin về triệu chứng y tế nếu có, chụp ảnh khuôn mặt và dùng tính năng định vị để xác định vị trí ở thời điểm đó. Tất cả chỉ mất không đến 1 phút.
Khi người dùng khai báo y tế ở ngoài địa điểm đăng ký cách ly, ứng dụng sẽ cảnh báo cần phải trở lại đúng vị trí. Đồng thời, cảnh báo cũng sẽ được gửi đến cơ sở quản lý tại địa phương bằng nhiều hình thức như tin nhắn đến điện thoại, thông báo trên web… Từ tín hiệu này, người quản lý cách ly tại địa phương có thể xuống kiểm tra.
“Trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi thấy ứng dụng đã làm tốt hai việc là thông báo lịch quản lý, khai báo y tế tại nhà cũng như cảnh báo cho cán bộ y tế, nhắc nhở người cách ly khi không thực hiện khai báo y tế”, ông Lưu Thế Anh, Phó giám đốc Trung tâm giải pháp Y tế của Viettel Solutions cho biết.
Có thể kết hợp phương pháp "cứng" và "mềm"
Trong trường hợp người cách ly không có smartphone, chỉ dùng điện thoại cơ bản, việc quản lý, giám sát cách ly tại nhà vẫn phụ thuộc vào cán bộ y tế, cán bộ phường.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang thí điểm sử dụng vòng đeo tay giám sát cách ly. Đây có thể coi là phương pháp giám sát bằng phần cứng. Đại diện của Viettel Solutions cho biết trong tương lai, việc kết hợp quản lý bằng cả giải pháp phần cứng lẫn phần mềm có thể thực hiện được, không khó.
Chia sẻ về những thách thức khi thực hiện quản lý cách ly tại nhà bằng công nghệ, đại diện đơn vị phát triển và đơn vị quản lý là Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia (thuộc Bộ TT&TT) đều cho khó khăn nằm ở chỗ phổ biến cách dùng phần mềm.
Do TP.HCM đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc hướng dẫn trực tiếp là không khả thi. Vì thế, đơn vị phát triển đã tạo các video hướng dẫn chi tiết. Đại diện Trung tâm cũng trực tiếp vào TP.HCM để phối hợp với UBND Thành phố, hỗ trợ triển khai ứng dụng.
Sở TT&TT TP.HCM cũng cho biết sẽ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về cách ly tại nhà trên các tài khoản mạng xã hội của Sở, Cổng thông tin 1022, Trung tâm báo chí TP.HCM, Trung tâm Công nghệ thông tin & Truyền thông và Trang thông tin đối ngoại.
Việc cách ly tại nhà đối với F0 đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi đầu tháng 3 cũng ban hành khuyến cáo về việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở nhà.
Hiện tại, Đài Loan (Trung Quốc) đang ứng dụng hệ thống định vị trong điện thoại để giám sát người đang cách ly. Hệ thống này do CECC và các nhà mạng di động phối hợp phát triển từ đầu tháng 2/2020. Nếu người cách ly rời khỏi khu vực quy định, hệ thống sẽ gửi cảnh báo tới nhân viên y tế và cảnh sát.