Ukraine muốn nhanh có thêm vũ khí nhưng phương Tây không thể vội
Ukraine cho biết nước này chỉ có 10% vũ khí cần thiết để chiến đấu với Nga và kêu gọi phương Tây tăng cường hỗ trợ. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh, mặc dù cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine nhưng không phải ở mức độ mà Kiev yêu cầu.
“Không có phương Tây hỗ trợ, Ukraine không thể giành chiến thắng”
Mỹ đã nhất trí thông qua kế hoạch cung cấp thêm 1 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine sau một cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels ngày 15/6 nhưng cam kết này vẫn chưa đáp ứng những gì các quan chức Ukraine cho là cần thiết để đánh bại Nga.
Gói hỗ trợ quân sự mới do Nhà Trắng công bố, sẽ bao gồm 2 hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon đặt trên xe tải, 18 lựu pháo, 36.000 viên đạn cùng đạn dược sử dụng cho Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS). Thông báo này đã làm dấy lên cảm giác hài lòng xen lẫn thất vọng của Ukraine giữa bối cảnh Mỹ cho thấy nước này sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cần thiết cho Ukraine nhưng không phải ở mức độ Kiev cho là đủ để cân bằng lực lượng với Nga trên chiến trường.
Mỹ đã cung cấp hơn 4,6 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine kể từ đầu cuộc chiến. Nhưng với 108 lựu pháo cỡ nòng 155 mm và một số hệ thống tên lửa đa nòng (MLRS) mà Mỹ cam kết hỗ trợ, hay thậm chí cộng thêm với các vũ khí hạng nặng từ Anh, Pháp, Ba Lan cùng một số quốc gia khác thì số lượng này vẫn còn xa mới đáp ứng nhu cầu của Ukraine hiện nay.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết trên kênh truyền hình quốc gia ngày 13/6 rằng nước này chỉ có 10% vũ khí cần thiết để chiến đấu với Nga.
"Dù Ukraine có nỗ lực thế nào, dù quân đội của chúng tôi có chuyên nghiệp thế nào, nếu không có sự hỗ trợ từ các đối tác phương Tây, chúng tôi không thể chiến thắng cuộc chiến này. Chúng tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa bởi tình hình vô cùng phức tạp", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar cho hay.
Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã viết trên Twitter những gì Ukraine cần để giành chiến thắng Nga gồm:
"Nói thẳng ra thì, để kết thúc cuộc chiến này, chúng tôi cần sự cân bằng về vũ khí hạng nặng: trong đó bao gồm 1.000 lựu pháo cỡ nòng 155 mm, 300 hệ thống tên lửa đa nòng, 500 xe tăng, 2.000 phương tiện bọc thép, 1.000 máy bay không người lái", ông Mykhailo Podolyak thông báo. Cho tới nay, Mỹ và đồng minh đã cam kết cung cấp 10 hệ thống tên lửa đa nòng cho Ukraine - còn cách rất xa con số 300 hệ thống mà ông Podolyak cho là Ukraine cần.
"Những gì Ukraine cần nhất là pháo và tên lửa tầm xa cũng như rất nhiều đạn dược để đối phó với Nga", Trung Tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ ở châu Âu cho hay.
Ông Ben Hodges cũng cho biết Mỹ nên tăng đáng kể số lượng vũ khí hạng nặng mà nước này cung cấp cho Ukraine để đảo chiều cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kiev, đặc biệt khi Nga có lợi thế lớn về lực lượng và pháo binh trên chiến trường.
"Trừ khi chúng ta có thể giúp Ukraine phá hủy hoặc ít nhất là làm gián đoạn số pháo và tên lửa này, nếu không thì chúng ta sẽ đối mặt với một bài toán nan giải", cựu chỉ huy Mỹ cho hay.
Stephen Hadley, một cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống George W. Bush cũng cho rằng Mỹ cần tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ukraine muốn “nhanh” nhưng phương Tây không thể “vội”
Các quan chức Lầu Năm Góc thông báo sẽ ngày càng nhiều vũ khí được đưa tới Ukraine nhưng họ cũng thận trọng cho rằng việc vận chuyển và đào tạo sẽ cần thời gian. Đội ngũ sử dụng MLRS của Ukraine đã hoàn thành huấn luyện ngày 15/6 và dự kiến sẽ triển khai hệ thống vũ khí này vào tuần sau.
Ukraine đang đối mặt với nhiều vấn đề về vũ khí và trang thiết bị. Nhiều hệ thống vũ khí hiện nay của Ukraine từ thời Liên Xô và đạn dược dùng cho chúng đã bị phá hủy sau các cuộc không kích và Nga là quốc gia duy nhất vẫn còn đạn dược cho các loại vũ khí này. Giữa bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn, Ukraine cho biết một số hệ thống vũ khí có thể không còn hữu dụng nữa và điều đó tức là Kiev sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào kho vũ khí của NATO.
Ukraine cũng phàn nàn về việc họ không có đủ pháo hạng nặng và đang cạn kiệt đạn dược. Các quan chức Ukraine lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trước việc khung thời gian cung cấp các loại vũ khí hạng nặng diễn ra không đáp ứng kịp thời nhu cầu của họ. Mỹ và các đồng minh đang đối mặt với nhiều trở ngại lớn về hậu cần để nhanh chóng vận chuyển số vũ khí này. Bên cạnh đó, việc huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng chúng có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.
"Mỹ là đối tác ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho chúng tôi cũng như có vai trò vô cùng quan trọng để chúng tôi tiếp tục chống trả và chiến đấu", Andriy Kostin, một thành viên của Quốc hội Ukraine, đồng thời là một phần trong phái đoàn đàm phán với Nga cho hay.
"Tuy nhiên, để sự hỗ trợ trở nên hiệu quả nhất, việc vận chuyển các hệ thống vũ khí quan trọng cần được tăng cường".
Mỹ là bên cũng cấp hỗ trợ quân sự và cứu trợ nhân đạo lớn nhất cho Ukraine, cam kết chi 54 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine và khu vực kể từ khi chiến tranh nổ ra. Sự hỗ trợ của Mỹ đóng vai trò quyết định trên chiến trường, nhưng chính Washington cũng đang đối mặt với thách thức trong việc theo kịp mong muốn của Ukraine.
"Tôi hiểu nếu tôi là một người dân Ukraine, tôi sẽ muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất và nhanh nhất có thể. Nhưng các bạn nên nhớ, cần phải cân bằng để làm rõ tính cấp bách của tình hình mà không gây hoảng loạn cũng như thúc đẩy hỗ trợ mà không dẫn đến chỉ trích, dèm pha lẫn nhau", cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel Fried bình luận.
Trong khi đó, ngay giữa lúc Ukraine tăng cường kêu gọi cung cấp vũ khí thì các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ lo ngại rằng, nếu cung cấp cho Ukraine mọi thứ mà nước này muốn thì kho vũ khí của châu Âu sẽ bị cạn kiệt nghiêm trọng.
Khung thời gian cung cấp cho Ukraine 2 hệ thống HIMARS và máy bay không người lái Gray Eagles đã cho thấy những thách thức trong việc đáp ứng các nhu cầu của Ukraine.
"Chúng tôi sẽ nhận được các hệ thống HIMARS và máy bay không người lái Gray Eagles trong 6 - 8 tuần. Điều đó không hề có lợi cho chúng tôi", quan chức quân sự Ukraine cho hay.
Các quan chức ở Washington vẫn đang tranh luận về hiệu quả của việc cung cấp các máy bay không người lái cho Ukraine. Mỹ đã đào tạo hơn 1.000 binh lính Ukraine sử dụng các thiết bị của NATO được đưa đến chiến trường sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự hồi tháng 2. Trước đó, Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cung cấp các vũ khí chính xác hơn để tấn công vào các thành phố Nga đang kiểm soát.
Mỹ và Ukraine cũng đang tranh luận về việc cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Kiev. Ukraine đã nhiều lần yêu cầu phương Tây cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân có thể nhắm vào các mục tiêu cách xa tới 270 km. Chính quyền Tổng thống Biden hiện vẫn trì hoãn cung cấp hệ thống này do lo ngại hành vi đó sẽ khiêu khích Nga.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ đã nhận định với báo giới ngày 14/6 rằng Mỹ đã vận chuyển cho Ukraine các hệ thống tên lửa đa nòng có đủ tầm bắn để nhắm vào các vị trí chỉ huy và làm gián đoạn tuyến hậu cần của Nga. Mỹ cũng đang tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường chia sẻ thông tin tình báo trong thời gian thực với Ukraine để tăng cường hiểu biết về tình hình chiến trường.
Tại cuộc gặp giữa Nhóm Liên lạc Quốc phòng về Ukraine ở Brussels ngày 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã gặp các đối tác đến từ 50 quốc gia nhằm tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ông Milley cho biết Mỹ sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống HIMARS đầu tiên cho Ukraine vào cuối tháng này và 60 binh lính Ukraine sẽ được đào tạo để sử dụng chúng.
"Chúng tôi và các quốc gia khác đang xây dựng một trung đội nhằm đảm bảo Ukraine có thể triển khai và duy trì đúng cách hệ thống này. Sự hỗ trợ ngay lập tức này sẽ tác động đáng kể đến tình hình chiến trường", ông Milley bình luận.