Ukraine bắt đầu bán điện cho EU
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine bắt đầu xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu thông qua Romania sau khi Nga giảm nguồn cung khí đốt tới khối này.
"Ukraine đã khởi động hoạt động xuất khẩu lượng điện đáng kể sang lãnh thổ EU. Đây mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi đang chuẩn bị tăng nguồn cung", ông Zelensky nói hôm 30/6.
Nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định một phần đáng kể khí đốt của Nga mà người châu Âu tiêu thụ có thể được thay thế.
Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Italia và Đức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga. Tuy nhiên, họ buộc phải tìm giải pháp thay thế khi Moskva cắt giảm khí đốt đến lục địa già.
Theo AFP, mạng lưới điện của Ukraine được kết nối với mạng lưới châu Âu vào giữa tháng 3, giúp Kiev duy trì nguồn cung liên tục cho EU bất chấp xung đột với Nga.
Động thái này được cho là nhằm tăng sự độc lập của hệ thống điện của Ukraine với Nga. Tuy nhiên, việc kết nối này là một biện pháp ứng phó khẩn cấp và không liên quan hoạt động mua bán điện.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết nguồn cung từ Ukraine sẽ cung cấp thêm một nguồn điện cho EU và tạo ra nguồn thu cần thiết cho Kiev.
"Cả đôi bên cùng có lợi", bà von der Leyen cho hay.
Một người phát ngôn của nhà điều hành lưới điện Ukrenergo của Ukraine cũng khẳng định hợp tác trong lĩnh điện năng giữa Ukraine và EU sẽ đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho cả hai bên.
EU ủng hộ mạnh mẽ Kiev sau khi Nga đưa quân sang Ukraine bằng cách giáng loạt trừng phạt với Moskva và trao tư cách ứng viên để mở đường cho Ukraine gia nhập liên minh.
Đáp trả các biện pháp cấm vận từ châu Âu, Nga mở rộng cắt giảm khí đốt sang lục địa già.
Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ cắt khí đốt cho các quốc gia "không thân thiện" từ chối thanh toán bằng đồng rúp Nga.
Trong những tuần gần đây, một số quốc gia châu Âu báo cáo nguồn cung khí đốt Nga giảm đáng kể. Châu Âu nhập khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga trước khi xung đột Ukraine bùng phát, song con số này hiện còn khoảng 20%.
Đức, Italia, Thụy Sĩ, Đan Mạch và một số nước châu Âu khác gần đây kích hoạt cảnh báo sớm trong lộ trình ứng phó khủng hoảng khí đốt.
Tin nổi bật
Tin Video