Tin tức

Tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 thấp: Nguy cơ châu Phi bị bỏ lại phía sau

Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 1 tỷ người trên thế giới đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, gần 6 tỷ liều vaccine đã được phân phối toàn cầu, song chỉ 2% trong số này đến được châu Phi. Thực tế này đang khiến WHO lo ngại, Lục địa đen sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với đại dịch.

08/12/2021 09:28

Trong bối cảnh biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 có xu hướng lan rộng, các quốc gia châu Phi đang tăng cường biện pháp kiểm soát khi các ca nhiễm Covid-19 mới ở châu lục này tăng tới 54% trong tuần qua.

Tính đến ngày 7/12, châu Phi - với khoảng 1,3 tỷ dân - đã ghi nhận 8.831.758 ca mắc Covid-19, 224.420 trường hợp tử vong. Trong khi đó, báo cáo của WHO cho biết, mới có 3,6% dân số ở châu lục này đã tiêm phòng và chỉ 5/54 quốc gia ở châu Phi có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số đến cuối năm 2021.

Tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 thấp: Nguy cơ châu Phi bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Mới có 3,6% dân số châu Phi được tiêm vaccine phòng Covid-19

Trên thực tế, phần lớn các nước châu Phi không có đủ nguồn lực tài chính để sở hữu vaccine phòng Covid-19. WHO ước tính, chỉ 25% các nước châu Phi có đủ ngân sách cho chương trình tiêm chủng. Hầu hết quốc gia tiếp cận vaccine thông qua cơ chế phân phối vaccine của Liên hợp quốc (COVAX) hoặc được các nước giàu viện trợ.

Bên cạnh đó, Nhóm đặc trách mua sắm vaccine phòng Covid-19 (AVATT) của Liên minh châu Phi (AU) cũng giúp đỡ các nước thành viên. Tuy nhiên, cả COVAX và AVATT đều phải phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ các hãng sản xuất, vốn luôn ưu tiên cho các nước phát triển với lượng đặt hàng lớn. Vào thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho người dân nên lượng vaccine dư thừa để chuyển nhượng cho các nước nghèo không nhiều.

Ngoài ra, đại dịch cũng làm bộc lộ những lỗ hổng lớn của hệ thống y tế nhiều nước châu Phi, trong đó thách thức lớn nhất là tình trạng thiếu dữ liệu. Theo trang Africa News, hơn 50% trẻ em ở lục địa này không tồn tại hợp pháp vì không được đăng ký khai sinh. Chỉ khoảng 10% số ca tử vong được khai báo chính thức, so với 98% ở châu Âu. Con số này thực sự đáng lo ngại vào thời điểm các quốc gia thường xuyên cập nhật số người tử vong do Covid-19.

Một vấn đề khác là khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người dân nghèo ở Lục địa đen. Năm 2021, chỉ 10 quốc gia có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho công dân gồm: Algeria, Botswana, Burkina Faso, Gabon, Mauritius, Namibia, Rwanda, Seychelles, Tunisia và Zambia. Dù cách đây tròn 1 thập kỷ, nhiều thành viên của AU cam kết dành ít nhất 15% ngân sách cho lĩnh vực y tế, nhưng đến nay, rất ít quốc gia đáp ứng được kế hoạch này.

Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực khám, chữa bệnh. Nạn chảy máu chất xám trong lĩnh vực y tế cũng là một “bài toán” chưa tìm được lời giải. Ước tính đến năm 2030, châu Phi sẽ thiếu hụt 6,1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Với thực tế như hiện nay, dù có đủ vaccine phòng Covid-19, châu Phi cũng không thể đẩy mạnh chương trình tiêm phòng.

Việc phát hiện biến chủng mới Omicron ở miền Nam châu Phi làm dấy lên lo ngại cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể thúc đẩy sự xuất hiện các biến chủng tiếp theo của vi rút SARS-CoV-2. Sau đó, các biến chủng có thể lây lan tới những khu vực khác trên thế giới, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.

Mới đây, Tiến sĩ Mo Ibrahim, nhà sáng lập Quỹ Hỗ trợ châu Phi cùng tên lưu ý: “Sự xuất hiện của biến chủng Omicron là lời nhắc nhở chúng ta rằng, dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa toàn cầu và tiêm phòng là cách duy nhất vượt qua đại dịch này”. Theo các chuyên gia WHO, khi tất cả các khu vực trên thế giới được tiếp cận vaccine đồng đều, đại dịch mới có thể được kiểm soát.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn