Thế giới

Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở châu Âu gia tăng ở mức đáng lo ngại

Tính đến 6h ngày 31/8, thế giới đã có 217.762.368 ca mắc Covid-19, trong đó 4.521.851 trường hợp tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm tại châu Âu bắt đầu gia tăng ở mức đáng lo ngại.

31/08/2021 08:53

Châu Á

Malaysia hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới mỗi ngày tăng nhanh trong những tuần vừa qua, trong khi số người chết vì Covid-19 cũng ở mức báo động. 

Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia và cao nhất toàn khối trong 1 ngày qua (19.628 ca). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng đã một lần nữa kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trước biến thể Delta của vi rút SARS-CoV-2.

Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở châu Âu gia tăng ở mức đáng lo ngại - Ảnh 1.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại một sân chơi trẻ em ở Kuala Lumpur (Malaysia)

Trong bối cảnh Campuchia dần tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng cho người trưởng thành và thanh, thiếu niên từ 12-17 tuổi, nước này đã đặt mua thêm vaccine ngừa Covid-19 để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng trong nước. 

Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tiêm phòng Covid-19 của Camppuchia, bà Or Vandine, nếu không có gì thay đổi, thêm 2 triệu liều vaccine của Sinovac đặt mua từ Trung Quốc sẽ được chuyển tới Campuchia vào đầu tháng 9, giúp Campuchia đạt mục tiêu tiêm phòng cho 9 triệu dân.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này mua thêm vaccine ngừa Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi, nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa lại trường học một cách an toàn. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchan cho biết, dự kiến nước này sẽ mua được 140 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 các loại vào cuối năm nay.

Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) Thái Lan cho biết, khoảng 3 triệu người Thái Lan hoàn thành 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 sẽ được tiêm mũi tăng cường thứ 3 từ cuối tháng 9 tới. Theo Cục trưởng DDC Opas Karnkawinpong, mũi vaccine tăng cường sẽ phụ thuộc vào sự sẵn có của nguồn cung tại thời điểm đó.

Châu Âu

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu, ông Hans Kluge cho biết, có tới 33 quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng hơn 10% trong 14 ngày qua và đây là mức cao rất đáng lo ngại. Yếu tố dẫn tới số ca mắc và tử vong tăng cao là do nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và hoạt động đi lại của người dân gia tăng.

Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn đã khiến hệ thống y tế của một số quốc gia châu Âu bắt đầu quá tải, dẫn đến số ca tử vong tăng. Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng tại châu Âu có phần chững lại trong 6 tuần qua. Giám đốc WHO khu vực châu Âu nhấn mạnh, ưu tiên hiện nay là đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, đồng thời đảm bảo công bằng trong tiêm chủng.

Liên quan việc tiêm mũi vaccine tăng cường, ông Kluge nhấn mạnh, mũi tiêm này là để giúp những đối tượng dễ bị tổn thương nhất an toàn trước dịch Covid-19.

Trong khi đó, Pháp và Liên minh châu Phi (AU) đã thiết lập quan hệ đối tác mới, theo đó Pháp sẽ ủng hộ Quỹ mua lại vaccine châu Phi (AVAT) 10 triệu liều vaccinen Covid-19 của AstraZeneca và Pfizer trong 3 tháng tới. Số lượng vaccine trên sẽ được phân bổ và phân phối bởi sáng kiến AVAT và Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19 của Liên hợp quốc (COVAX).

Tổng thống Pháp Emmanual Macron bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc châu Phi cần được tiếp cận công bằng với vaccine và là nhà lãnh đạo đầu tiên hoan nghênh, ghi nhận những nỗ lực của các quốc gia thành viên AU trong việc xây dựng các cơ chế tập thể như AVAT. Pháp cũng sẽ đóng góp cho Trung tâm hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cơ sở cho phép chuyển giao công nghệ vaccine mRNA tới châu Phi.

Chính phủ Pháp đã nâng gói cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 lên 240 tỷ euro (283 tỷ USD), chủ yếu dưới hình thức các khoản vay được nhà nước bảo lãnh. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, gói cứu trợ trên được cung cấp dưới hai hình thức, gồm 80 tỷ euro trợ cấp và 160 tỷ euro cho vay. Khoản viện trợ này sẽ chỉ dành cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch và giải trí.

Theo Bộ Y tế Pháp, cho đến nay, gần 72% dân số Pháp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, một trong những tỷ lệ cao nhất ở các nước phương Tây. Trong khi đó, đã có 43 triệu người (tương đương 64% dân số) tại Pháp đã được tiêm đủ liều vaccine.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn