Tuyên Quang: Huyện Yên Sơn rộng đường về đích nông thôn mới
(VOVTV) - Thời gian qua, công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới đã được huyện Yên Sơn chỉ đạo thường xuyên và liên tục, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong quá trình thực hiện chương trình, đã có nhiều cá nhân, hộ gia đình điển hình trong việc đóng góp tiền, ngày công, vật chất, hiến đất để thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp xã đã xây dựng kế hoạch năm 2023, chủ động chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch. Quan tâm chỉ đạo, tập trung ưu tiên nguồn lực đối với các xã mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Các cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang từ huyện đến cơ sở đều trực tiếp tham gia lao động xây dựng nông thôn mới.
Nhờ sự đồng lòng, đến nay, toàn huyện Yên Sơn đã có 14/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 51,85%). Trong đó, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Thái Bình, Mỹ Bằng, Hoàng Khai), 1 xã (Thái Bình) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2023, Yên Sơn tiếp tục phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chiêu Yên và Xuân Vân), 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Phúc Ninh, Kim Quan), cùng với đó là xã Mỹ Bằng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Một trong những yếu tố đưa Yên Sơn đạt những kết quả thuận lợi trên con đường hướng đến mục tiêu nông thôn mới là phát triển sản xuất, nâng cao sức mạnh nội tại của địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Yên Sơn đã và đang khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện hiện có 81 trang trại (20 trang trại tổng hợp, 45 trang trại trồng trọt, 4 trang trại lâm nghiệp, 12 trang trại chăn nuôi), 107 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản; thành lập mới 8 hợp tác xã . Trên toàn huyện Yên Sơn cũng có 7 hợp tác xã trực tiếp sản xuất hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản. 29 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Các yếu tố đó đã đóng góp vào thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 43 triệu đồng/năm.
Để đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất, huyện Yên Sơn đã triển khai mở các lớp đào tạo với hàng chục lớp cho 840 học viên cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, giải quyết việc làm mới cho lao động, lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và xuất khẩu lao động.
Các xã duy trì, củng cố Hợp tác xã nông nghiệp để hoạt động có hiệu quả, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… triển khai cấp mã số vùng trồng tại xã Thái Bình, Kim Quan, Phúc Ninh.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của Yên Sơn còn được hỗ trợ từ 79km đường giao thông nông thôn trên địa bàn (trong đó đường trục thôn là 48km, đường giao thông nội đồng 31km) với xây dựng 11 cầu trên đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho các tuyến di chuyển. Các công trình thủy lợi đều được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ nay đến tháng 10/2023, Yên Sơn sẽ nhận được cung ứng 7,5km kênh mương bằng cấu kiện đúc sẵn, tiếp tục tạo đà đẩy mạnh sản xuất.
Có thể thấy, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình OCOP, vay vốn đã đạt những kết quả như mong đợi.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, Yên Sơn đã luôn chú trọng tới công tác y tế, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân dân vùng đặc biệt khó khăn. Tất cả các xã đều tổ chức thực hiện tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, huyện tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định; đặc biệt đối với các đối tượng là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn... Đến nay, đã có 26/27 xã đạt tiêu chí.
Ông Lê Quang Toàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", xây dựng và triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất.
Đóng góp vào sự phát triển chung của huyện Yên Sơn cũng như con đường về đích nông thôn mới, không thể bỏ qua nỗ lực của chính quyền, nhân dân cấp xã, mà điển hình nhất là Tứ Quận – một xã nằm ở trung tâm huyện lỵ Yên Sơn. Từ khi được công nhận là xã đạt nông thôn mới năm 2020, địa phương đã luôn làm tốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng – an ninh, đóng góp vào tiến bộ chung của huyện Yên Sơn nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Cụ thể, Tứ Quận đã liên tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo hài hòa với thực tế. Các tiêu chí về nông thôn mới luôn được duy trì và phát huy như quy hoạch, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, giáo dục – đào tạo…
Ông Hà Xuân Tiệp - Chủ tịch UBND xã Tứ Quận đánh giá, có được thành quả trong phát triển nông nông mới của địa phương, Tứ Quận đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.
"Để Tứ Quận được như hôm nay còn là sự đồng lòng của địa phương với bà con. Sự đồng thuận này là rất quan trọng để người dân ai cũng góp công sức vào để xây dựng quê hương, vì sự phát triển chung. Tôi rất vui về những gì đã đạt được. Thời gian tới, Tứ Quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trên mọi phương diện, nhằm đưa xã ngày càng xứng đáng với danh hiệu là xã nông thôn mới" – ông Tiệp phấn khởi.
Vị lãnh đạo cũng cho biết thêm, xã sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân để nhân dân tự giác trong bảo vệ, giữ gìn môi trường, đóng góp xây dựng nông thôn chủ động thực hiện chỉnh trang nhà cửa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự. Tiếp tục phát động phong trào thi đua thôn điểm, hộ điểm trong xây dựng nông thôn mới, làm tốt nhiệm vụ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Tin nổi bật
Tin Video