Nông nghiệp

Tuyên Quang: Hiệu quả kinh tế lớn từ phát triển trồng trọt tại huyện Hàm Yên

(VOVTV) - Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Hàm Yên là huyện có thế mạnh về phát triển kinh tế trang trại, mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tác giả Đàm Trượng / VOVTV
06/08/2021 16:21

Theo thông tin từ huyện Hàm Yên, trong 6 tháng đầu năm 2021 với bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp nhưng vẫn đảm bảo việc thực hiện "mục tiêu kép", chính quyền địa phương đã ban hành Chương trình công tác năm 2021, bám sát các văn bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh về chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh, giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tập trung chỉ đạo cụ thể hóa văn bản thực hiện các Nghị quyết, Chương trình của Tỉnh ủy, Huyện uỷ; các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đảm bảo tiến độ, hiệu quả; quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh, ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an ninh xã hội; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2021.

Tuyên Quang: Hiệu quả kinh tế lớn từ phát triển trồng trọt tại huyện Hàm Yên - Ảnh 1.

Trụ sở UBND huyện Hàm Yên mới được xây dựng

Để hoàn thiện Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025, thông qua các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, huyện Hàm Yên đã và đang dần nâng cao chất lượng công tác tham mưu và tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng như chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Tuyên Quang: Hiệu quả kinh tế lớn từ phát triển trồng trọt tại huyện Hàm Yên - Ảnh 2.

Quảng trường Toàn Thắng mới được xây dựng khang trang nằm ngay trung tâm huyện Hàm Yên

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã có những phân công hợp lý từ cấp huyện đến cấp cơ sở, phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các xã, thị trấn. Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhân dân đã tập trung gieo cấy đúng theo lịch chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện tập huấn sản xuất. Nhờ những cố gắng đó, nhiều kết quả tích cực đã đến, đơn cử như đã hoàn thành 100% kế hoạch cấy lúa, 100% kế hoạch cấy lạc, 104% kế hoạch trồng cây khoai lang rau đậu các loại, trồng mới được 2,6 ha chè…

Mặt khác, việc phát triển các loại cây ăn quả cũng được chính quyền huyện Hàm Yên đặc biệt chú trọng. Theo thông tin từ huyện Hàm Yên, địa phương đã trồng được gần 7.000ha cây cam; 52,7ha cây quýt, 25ha cây nhãn; 51,2ha cây vải cùng 275ha loại cây ăn quả khác, đạt 101,9% so với cùng kì năm 2020.

Ở các xã, việc trồng cây ăn quả đã có những phát triển tích cực như tại xã Yên Phú, phong trào trồng thanh long được đẩy mạnh với khoảng 55ha thanh long. Nhiều hộ gia đình lựa chọn để thâm canh bởi hiệu quả kinh tế tốt hơn so với các loại cây trồng kém hiệu quả khác. Tiêu biểu như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hà (xã Yên Phú) đã đầu tư trồng 7.000 trụ thanh long ruột đỏ giống Thái Lan trên diện tích 7 ha, sau vài năm, bà Hà đã thu hoạch lứa đầu được 30 tấn quả, trị giá 600 triệu đồng. 

Được biết, cây thanh long không kén đất, dễ chăm sóc, đầu tư chi phí thấp, chịu hạn tốt và cho thu hoạch dài ngày từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, tạo cơ hội cho người dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra còn có thể kể đến gia đình anh Đỗ Văn Hưng (Thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú) dự kiến năm nay sẽ thu về khoảng 1 tỷ đồng từ 50 tấn thanh long… Vụ thu hoạch năm 2021, xã Yên Phú đã thu hoạch hơn 1.000 tấn quả với giá trị ước đạt trên 17 tỷ đồng.

Tuyên Quang: Hiệu quả kinh tế lớn từ phát triển trồng trọt tại huyện Hàm Yên - Ảnh 3.

Vườn Thanh Long của gia đình anh Đỗ Văn Hưng

Tại xã Phù Lưu, việc trồng cây cam sành đã là truyền thống, bởi có thâm niên 50 năm ở địa phương. Nhà bề thế ngày càng xuất hiện ở Phù Lưu bởi đời sống nhân dân phát triển. Theo ông Ma Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, hiện nay xã có 2.500ha cam sành, trong đó 2.100ha đang cho thu hoạch. Trung bình 1 ha cam sành cho thu 15 tấn quả/năm, như vậy sản lượng cam của Phù Lưu khoảng 30.000 tấn quả/năm. Với giá bán trung bình qua các năm khoảng 6.000 đồng 1 kg cam, Phù Lưu thu 1.800 tỷ đồng/năm từ cây cam sành.

Tuyên Quang: Hiệu quả kinh tế lớn từ phát triển trồng trọt tại huyện Hàm Yên - Ảnh 4.

Cam Sành Hàm Yên là loại Cam ngon khẳng định thương hiệu và đã có mặt trên khắp toàn quốc

Ở Phù Lưu hầu như nhà nào cũng trồng cam sành, trong đó có hơn 100 gia đình quy mô trang trại, thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Nhờ có cây cam sành mà bộ mặt nông thôn mới xã Phù Lưu thay da đổi thịt từng ngày. Những ngôi nhà sàn bề thế, nhà xây kiểu Thái trị giá hàng tỷ đồng có nhiều ở khắp các thôn. Người dân mua ô tải để chở cam, mua ô tô con để phục vụ sinh hoạt gia đình ngày một nhiều ở địa phương.

Tuyên Quang: Hiệu quả kinh tế lớn từ phát triển trồng trọt tại huyện Hàm Yên - Ảnh 5.

Nhà văn hoá xã được xây dựng đem lại diện mạo mới cho vùng quê Phù Lưu

Tuyên Quang: Hiệu quả kinh tế lớn từ phát triển trồng trọt tại huyện Hàm Yên - Ảnh 6.

Ông Ma Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết đời sống người dân tại địa phương đang từng ngày được cải thiện từ việc trồng cây cam sành

Được sự quan tâm của các cấp ban ngành, huyện Hàm Yên đã tập trung trong chỉ đạo, điều hành thực hiện toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện, kinh tế của huyện tiếp tục duy trì phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư; các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền được quan tâm; lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, việc làm, tiếp tục có chuyển biến tích cực; công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ý kiến của bạn