Tuyến phố đi bộ thị xã Sơn Tây: Thêm 'đặc sản' cho du lịch Hà Nội
Vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, thị xã Sơn Tây sẽ khai trương tuyến phố đi bộ nằm trong không gian Thành cổ Sơn Tây. Đây là tuyến phố đi bộ thứ tư của Hà Nội, được kỳ vọng sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho điểm du lịch Hà Nội khu vực ngoại thành và sẽ là “đặc sản” thu hút du khách khi đến Hà Nội.
Trải nghiệm mới ở Thành cổ
Thành Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), là tòa thành được xây bằng đá ong, có tổng diện tích 16ha với các kiến trúc độc đáo như: Tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ. Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay. Thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía Tây Bắc Thăng Long.
Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994. Ngày nay, tòa thành này vẫn còn tồn tại ở trung tâm thị xã Sơn Tây, và trở thành một di tích lịch sử và kiến trúc quân sự thu hút du khách. Hiện, thị xã Sơn Tây đang trình văn bản lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để công nhận Thành cổ Sơn Tây là di tích đặc biệt.
Theo quy hoạch, phố đi bộ ở thị xã Sơn Tây gồm 4 tuyến phố là Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, một phần phố Lê Lợi và Phó Đức Chính. Điểm đầu của phố đi bộ là cổng cũ trụ sở UBND thị xã Sơn Tây ở phố Phó Đức Chính.
Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (đơn vị tham gia ý tưởng và phát triển không gian phố đi bộ) cho biết, tuyến phố đi bộ sẽ là điểm kết nối không gian di sản bên trong thành cổ và bên ngoài. Bên cạnh đó, tuyến phố đi bộ sẽ tạo điểm nhấn cho nhân dân và du khách các huyện lân cận như Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất thêm điểm vui chơi. Tuyến phố đi bộ này sẽ được kết nối với nhiều điểm du lịch tâm linh khác trên địa bàn Sơn Tây như Đền Và, Chùa Mía, Văn Miếu…
Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, hiện nay, lượng khách đến làng cổ Đường Lâm ngày càng lớn, nên việc bổ sung tuyến phố đi bộ vào chương trình du lịch của Sơn Tây sẽ làm đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, góp phần giữ chân du khách ở lại lâu hơn khi khám phá điểm đến ngoại thành Hà Nội.
Sẵn sàng phục vụ du khách
Hiện nay, thị xã Sơn Tây đã cho chỉnh trang lại đường, vỉa hè, cải tạo cảnh quan phố đi bộ, sơn kẻ vạch đường các tuyến phố; lắp đặt biển thông tin, biển chỉ dẫn quanh hào Thành cổ. Thời gian tới, tại đây sẽ có thêm cổng chào, đèn trang trí. Trung tâm Văn hóa thị xã Sơn Tây cũng lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại phố đi bộ.
Ông Trần Đình Chiến, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, công việc chuẩn bị đã hoàn thiện gần 80% để sẵn sàng đi vào hoạt động phục vụ du khách vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới.
Ban tổ chức dự kiến, có khoảng 50-70 quầy hàng được phép kinh doanh trong khu vực tuyến phố đi bộ. Sau đó, thị xã sẽ thành lập Ban Quản lý nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, và phòng y tế sẽ hướng dẫn, kiểm tra để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điểm nhấn của tuyến phố là các chương trình văn hóa nghệ thuật, các không gian biểu diễn ngoài trời, hoạt động triển lãm ảnh, trưng bày cây cảnh… Ông Trần Đình Chiến cho biết, các hoạt động này đã được xây dựng kế hoạch cho đến hết năm.
Liên quan đến việc quản lý đối với các hộ kinh doanh, buôn bán trên phố đi bộ (tại 3 phường: Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi), thị xã Sơn Tây đã có công văn về các xã, phường nhằm hướng dẫn việc đăng ký các mặt hàng kinh doanh cũng như thực hiện các nội quy về an toàn cháy nổ, phòng, chống dịch.
Hiện tại, hoạt động du lịch đã được mở hoàn toàn, thành phố Hà Nội cũng đang đẩy mạnh quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn du khách trong bối cảnh bình thường mới. Để bảo đảm hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, hấp dẫn an toàn, thị xã Sơn Tây tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện tốt yêu cầu “5K”, điểm quét QR cho du khách…
Tin nổi bật
Tin Video