Tuyền Châu - Thành phố nhiều Hoa kiều nhất Trung Quốc
(VOVTV) - Ở Trung Quốc, có một thành phố mà cứ 10 người thì có ít nhất 5 người gia đình có yếu tố hải ngoại. Đây cũng là nơi có số Hoa kiều đông nhất đất nước tỷ dân.
Nơi đây đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 2021. Đó là thành phố Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam Trung Quốc.
Cách đây đúng hai năm, vào tháng 7/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã đưa Tuyền Châu vào danh sách di sản thế giới nhờ vai trò lịch sử “Trung tâm thương mại hàng hải thế giới thời Tống - Nguyên của Trung Quốc”.
Nằm ở phía Nam tỉnh Phúc Kiến, Tuyền Châu có diện tích hơn 11.000 km2 với gần 8,9 triệu dân. Khoảng 1.000 năm trước, thành phố này từng được mệnh danh là Thượng Hải của Trung Quốc. Xây dựng vào thời nhà Đường (618-907), Tuyền Châu từng là cảng lớn nhất ở phương Đông vào thời nhà Tống (960-1279) và nhà Nguyên (1271-1368).
Được công nhận là điểm khởi đầu duy nhất của “Con đường Tơ lụa trên biển” cổ đại, Tuyền Châu là hải cảng mang đậm dấu ấn lịch sử. Tại đây, đến giờ vẫn còn dấu tích giao thương của các tàu buôn từ châu Âu, châu Phi, châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.
Chính nhờ các hoạt động thông thương từ sớm, Tuyền Châu nổi tiếng là nơi có nhiều Hoa kiều, thậm chí là nhiều nhất Trung Quốc. Lịch sử di cư ra nước ngoài của công dân Trung Quốc đã có từ lâu, nhưng từ đời Đường người Hoa mới bắt đầu ra nước ngoài nhiều hơn. Nhiều người trong số họ sau khi đến các nơi trên thế giới buôn bán đã định cư tại đây.
Theo số liệu mới nhất do bà Trần Dĩnh Diễm, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Giao thông Hải ngoại Tuyền Châu, cung cấp cho phóng viên VOV, thành phố này có tới hơn 9,5 triệu người Hoa và Hoa kiều, trong đó chủ yếu là ở các nước Đông Nam Á, mà trước kia gọi là Nam Dương.
Bà Trần Dĩnh Diễm cho biết: “Trên thực tế, người nhập cư đã xuống Nam Dương vào thời nhà Minh và Thanh nhiều hơn. Tuyền Châu là một hải cảng lớn dưới thời nhà Tống và Nguyên, một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc và nước ngoài đã được đưa đến đây để giao thương.
Trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, người Tuyền Châu xuống Nam Dương chăm chỉ làm ăn, một số người đã ở lại kết hôn với người bản địa và sinh con đẻ cái. Các cộng đồng người Hoa và khu phố Tàu đã hình thành ở Đông Nam Á. Họ cũng đã mang một số phong tục của Trung Quốc ra nước ngoài, như múa Sư múa Rồng, lễ hội đèn lồng, ẩm thực và văn hóa Trung Hoa".
Theo số liệu của mạng Liên hiệp Hoa kiều hồi hương tỉnh Phúc Kiến, toàn tỉnh này có tổng cộng 15,8 triệu người Hoa và Hoa kiều, phân bố ở gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có tới gần 80% tập trung ở các quốc gia Đông Nam Á, chủ yếu là Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore.
Riêng tại Tuyền Châu, tỷ lệ người Hoa tại Đông Nam Á lên đến 90%. Bên cạnh đó, khoảng 45% người Hán ở Đài Loan cũng đến từ Tuyền Châu.
Nói về những đóng góp của người Hoa đối với địa phương, ông Ngô Kim Bằng, Giám đốc Trung tâm bảo vệ văn vật thành phố Tấn Giang thuộc Tuyền Châu, cho biết: “Trong mỗi thời kỳ, người Hoa đều gắn bó với quê hương. Họ đóng góp tiền của, máy bay cho cách mạng, xây con đường ô tô đầu tiên ở Phúc Kiến. Ngay từ những năm 1930 và sau này là 50 và 60, nhiều người đã quay trở về xây cơ ngơi ở quê nhà, do vậy nhiều ngôi làng và tòa nhà của người Hoa đã mọc lên".
Giờ đây, ở Tuyền Châu có hẳn những ngôi làng làm du lịch dựa trên những ngôi nhà và công trình kiến trúc của người Hoa xây dựng từ nhiều chục năm trước. Đến đây, du khách không chỉ được ở trong những khu homestay mang nét văn hóa địa phương, tìm hiểu về lịch sử di cư của những gia tộc người Hoa hiển hách, mà còn được thưởng thức các món ăn, đồ uống và tiết mục biểu diễn pha trộn giữa văn hóa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á./.