Lăng kính

Tương lai nào cho quan hệ Nhật Bản - Nga?

(VOVTV) - Chính phủ Nhật Bản mới đây công bố Sách Xanh ngoại giao – một báo cáo thường niên về chính sách và các hoạt động đối ngoại của nước này. Năm nay, nội dung được chú ý nhất là mối quan hệ giữa Nhật Bản với Nga, vốn đang rạn nứt nghiêm trọng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tác giả Bùi Hùng / VOV Tokyo
27/04/2022 10:59

Tài liệu này cho thấy, Nhật Bản đã thay đổi cách tiếp cận trong mối quan hệ đối với Nga so với các báo cáo thường niên trước đây. Trong đó, lần đầu tiên kể từ năm 2003, Nhật Bản đưa ra lập trường cứng rắn với Moscow trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước cũng như về các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Lý do của lập trường cứng rắn này từ phía Nhật Bản là gì?

Thay đổi nhanh chóng chính sách đối với Nga

Sách Xanh ngoại giao năm 2021 khi nói về quan hệ đối với Nga, sách nhấn mạnh rằng việc cấu trúc quan hệ tốt đẹp với Nga là vô cùng quan trọng không chỉ đối với lợi ích của Nhật Bản mà còn cả đối với ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Không chỉ có thế mà còn khẳng định rằng hợp tác Nhật Bản và Nga còn có xu hướng đóng góp vào đối phó với Trung Quốc đang mở rộng hoạt động tại ra khu vực hải dương.

Sau khi xung đột với Ukraine xảy ra, lập trường của Nhật Bản đối với Nga có nhiều thay đổi, nếu như không muốn nói là thay đổi 180 độ. Trong sách Xanh ngoại giao năm nay gay gắt lên án hành vi của Nga tại Ukraine, cho rằng hành động của Nga làm lung lay cơ bản nguồn gốc trật tự xã hội.

Mặt khác, trong những năm qua, Nhật Bản và Nga đã đang hết sức cố gắng thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực quần đảo phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản, quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga) và đã có những thỏa thuận ban đầu về khai thác chung tại đây. Và dư luận còn rất vui mừng khi tương lai ký kết một Hiệp ước hòa bình Nhật - Nga tưởng như không quá mù mịt, dần lộ rõ những tia sáng. 

Nhưng giờ đây, cũng kể từ sau cuộc chiến Nga - Ukraine, Nhật khẳng định lại rằng “Nga chiếm hữu bất hợp pháp” quần đảo vốn thuộc “lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản”. Việc thương lượng hướng tới ký kết Hiệp ước hòa bình hai nước trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, việc hợp tác với Nga với tư cách là đối tác chiến lược cũng vô cùng khó khăn

Tương lai nào cho quan hệ Nhật Bản - Nga? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Như vậy, Nhật Bản dường như muốn xóa bỏ tất cả những gì liên quan đến Nga. Và phía Nga cũng không “khách sáo” mà bày tỏ luôn thái độ phản ứng gay gắt, phê phán Nhật Bản đang chệch hướng trong cách ứng xử với Nga. Quan hệ hai nước trở nên căng thẳng đỉnh điểm.

Nguy cơ tiềm ẩn

Trước khi công bố Sách Xanh ngoại giao, Nhật Bản cùng với các quốc gia phương Tây áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga  – một động thái hiếm có trong chính sách của “đất nước mặt trời mọc”.

Dư luận khá bất ngờ về việc Nhật Bản rất nhanh chóng thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với Nga ngay sau khi nước này tấn công Ukraine. Đáng nói là những biện pháp trừng phạt này là riêng rẽ chứ không phải là biện pháp chung mà Mỹ và các nước châu Âu cùng đưa ra. Đồng thời, những biện pháp trừng phạt được đưa ra liên tục, siết chặt từ ngoại giao đến kinh tế.

Ban đầu, Nhật Bản tuyên bố đóng băng tài sản Tổng thống Nga và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp quan trọng nhất của Nga như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng… các ngân hàng quan trọng của Nga. Sau đó là Nhật Bản đã cấm xuất khẩu sang Nga khoảng 300 mặt hàng, trong đó có các mặt hàng có thể sử dụng cho mục đích quân sự và chip bán dẫn thông dụng, rồi cấm xuất khẩu xa xỉ phẩm sang Nga. Động thái này là nhằm gây sức ép lên giới tài phiệt, những ông trùm kinh doanh giàu có thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cũng trục xuất hàng chục nhà Ngoại giao Nga.

Cùng với xung đột Nga - Ukraine, có thể thấy lập trường về môi trường quốc tế của Nhật Bản có chiều hướng thay đổi. Nghĩa là Nhật Bản thấy rằng môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản có chiều hướng thay đổi và khó lường, thậm chí không thể xác thực với tốc độ nhanh chóng theo từng giai đoạn. Điều này sẽ tác động xấu tới an ninh Nhật Bản. Trong sách Xanh ngoại giao năm nay, Nhật Bản cũng nhanh chóng cập nhật và chỉ ra rằng Nhật Bản từ đây sẽ phải đối mặt với cuc diện mới là “tác chiến cùng lúc với Trung Quốc, Triều Tiên và Nga”. Nghĩa là Nga đang trở thành “nguy cơ tiềm ẩn” đối với Nhật Bản.

Tương lai xa vời của Hiệp ước hòa bình

Việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là nguyên nhân chính dẫn đến việc Nhật Bản và Nga đến nay vẫn chưa ký kết Hiệp ước hòa bình từ sau chiến tranh thế giới lần 2. Với những quan điểm, lập trường hiện nay của hai bên, tương lai của một bản Hiệp ước hòa bình giữa hai nước dường như trở nên xa vời.

Năm 2018, sau nhiều nỗ lực, Nga và Nhật Bản có ký kết được thỏa thuận Singapore. Đây là thỏa thuận được ký kết giữa Thủ tướng Abe Shinzo và Tổng thống Nga Putin nhân dự Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore. Ký kết này liên quan đến xúc tiến nhanh thương lượng Hiệp ước hòa bình dựa trên Tuyên bố chung Nhật - Nga năm 1956 về việc Nga sẽ trao trả 2 đảo Shikotan và Habomai cho Nhật Bản. Tiếp theo đó là thương lượng về việc khai thác chung tại khu vực quần đảo đang tranh chấp. Dựa trên những điều này, hai bên hy vọng có thể thực hiện việc ký kết Hiệp ước hòa bình. Và có thể nói thời kỳ khi ông Abe Shinzo là Thủ tướng Nhật Bản, hai bên đã có những bước đi khá chắc chắn để Hiệp ước hòa bình có thể ra đời.

Nhưng cũng từ sau cuộc chiến Nga - Ukraine, Nhật Bản có nhiều thay đổi về lập trường đối với Nga. Và sách Xanh ngoại giao Nhật Bản lại khẳng định thêm rằng triển vọng cho một Hiệp ước hòa bình giữa hai bên gần bằng không. Một tảng băng mới và rắn chắc lại ngáng giữa đường khi kế hoạch thực hiện Hiệp ước chỉ mới bắt đầu. Từ đây, Nhật Bản sẽ không nhân nhượng trong vấn đề lãnh thổ khi quay lại phản đối Nga, tiếp tục khẳng định chủ quyền, tăng cường đảm bảo an ninh tại khu vực tranh chấp. 

Còn Nga thì tăng cường hoạt động tại quần đảo tranh chấp. Hơn thế nữa, những biện pháp trừng phạt riêng rẽ đối với Nga về mặt kinh tế vẫn tiếp tục khi Nhật Bản sửa đổi hàng loạt Luật cho phù hợp. Có thể dự đoán trong nhiều năm tới, ngay cả khi xung đột Nga - Ukraine kết thúc, hai bên cũng không mấy mặn mà đề cập tới nhau. Để cho Hiệp ước hòa bình Nhật - Nga ra đời, có lẽ cần phải tốn rất nhiều thời gian.

Ý kiến của bạn