Khám phá

Tượng check-in 'xấu xí' ở Sa Pa: Đã đến lúc kết thúc trò 'thả đỉa ba ba'

(VOVTV) - Câu chuyện bức tượng nữ thần tự do và nữ hoàng băng giá Elsa tại điểm check-in An Sa Pa vừa mới dựng lên đã chịu nhiều lời chê bôi của cộng đồng mạng trong những ngày qua, khiến những ai có cảm tình với Sa Pa hay người có sở thích check-in, khám phá không khỏi bức xúc.

Tác giả An Kiên / VOV Tây Bắc
22/07/2021 15:27

Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, xuất phát từ bị chỉ trích "xấu xí", "làm mất hình ảnh Sa Pa" mà cả 2 bức tượng phải chịu 2 lệnh đình chỉ từ chính quyền khu du lịch quốc gia này. Thậm chí mới đây nhất ngày 20/7 chịu thêm lệnh yêu cầu tháo dỡ, bằng không sẽ cưỡng chế.

Đáng nói, việc ra quyết định xử lý nhanh chóng của UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai lại không liên quan gì đến những tiếng bỉ bôi của dân mạng, vì rõ ràng xấu không phải là cái tội. Mà căn cứ dựa trên luận điểm rằng: Vị trí lắp đặt mô hình nằm trong khuôn viên chưa được công nhận là điểm du lịch và chưa có giấy phép xây dựng. Từ đây mở ra hàng loạt câu hỏi cho không chỉ Sa Pa mà nhiều địa phương du lịch khác trong cả nước về vấn đề quản lý các điểm check-in như thế nào?

Bức tượng nữ hoàng băng giá Elsa bị cộng đồng mạng chê xấu.jpeg

Bức tượng nữ hoàng băng giá Elsa bị cộng đồng mạng chê xấu

Mô hình check-in có xấu?

Sa Pa hiện có tới vài chục điểm check-in lớn nhỏ, ngoài An Sa Pa còn nhiều cái tên mỹ miều như Vườn vô cực, Đồi sừng trâu, Sa Pa Secret, Moana... mỗi điểm đến đều mang phong cách riêng.

Mô hình này mới du nhập vào Sa Pa khoảng 2 năm nay nhằm phục vụ chủ yếu giới trẻ, cả một bộ phận người trung niên... thích chụp hình, trải nghiệm.

Cũng kể từ đó, danh sách các điểm đến ở Sa Pa được nối dài thêm, phân khúc khách hàng nhắm đến cũng nới rộng hơn, mở ra cơ hội kinh doanh, làm giàu cho địa phương.

Tượng Elsa phải bọc kín bạt sau lệnh đình chỉ.jpg

Tượng Elsa phải bọc kín bạt sau lệnh đình chỉ

Du khách Nguyễn Thị Thùy Dương đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tới Sa Pa không thể ở mỗi khách sạn, ra ngoài đi cáp treo thì vé khá mắc, đỉnh Fansipan lạnh, người già, trẻ nhỏ cũng không nên lên. Còn lại loanh quanh khu vực nhà thờ đá, xuống bản, có thêm nhiều chỗ check-in thế này cũng vui, chi phí không hề đắt đỏ, chỉ vài chục nghìn/lượt".

Theo ông Trần Trung Hưng, chủ cơ sở check-in ở tổ 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, vốn đầu tư để mở một điểm đón khách không lớn, cá nhân cũng có thể đứng ra. Chỉ cần có sẵn đất, hoặc thuê một khoảnh vườn rừng rồi tạo dựng, thiết kế các mô hình, tiểu cảnh là xong. Vậy nên rất nhiều người làm, ngay cả trong mùa dịch Covid-19 như hiện nay, các điểm check-in vẫn "trăm hoa đua nở".

"Đó cũng là tín hiệu tích cực dù rằng nếu nhiều quá cũng sẽ bão hòa. Nhưng được cái, loại hình kinh doanh 'mì ăn liền' như thế này rất linh hoạt, sẵn sàng có thể tháo rời, di chuyển, thay đổi thành mô típ khác được ngay", ông Hưng chia sẻ.

Những bức tượng mô hình thường đặt trước hậu cảnh là núi non hùng vĩ, chụp hình sống ảo đăng lên mạng xã hội trông khổng lồ, hoành tráng vậy thôi. Theo ông Hưng, thực tế mỗi bức thường chỉ cao chừng 2-3m, ai đó nói "làm mất cảnh quan Sa Pa" thì hơi quá, trọng lượng các bức tượng cũng không lớn, bằng thạch cao thì cỡ vài tạ, còn làm bằng composite như tượng Elsa ở điểm An Sa Pa có khi 2 người cũng khiêng được, không đến mức phải quá lo về độ an toàn.

Nên nhìn trên quan điểm phát triển

Luật sư Nguyễn Bá Trường Giang - thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ một nguyên tắc nằm lòng sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực pháp lý rằng: "Chúng ta không được làm điều pháp luật cấm, còn lại được làm những điều pháp luật không yêu cầu".

Liên hệ với điểm check-in, trong Luật Du lịch chưa có khái niệm nào đề cập đến thì tự nhiên không riêng ở Sa Pa mà nhiều điểm check-in khác trong cả nước đều chưa nằm trong cơ chế quản lý nào, tức là không bị cấm, không bị yêu cầu, nhưng phải chịu khoác áo "tự phát".

"Mặc dù vậy, tôi thấy các chủ cơ sở đang làm đều rất tốt, đa dạng hóa, tô điểm cho vẻ đẹp vốn có của Sa Pa, kéo khách đến chứ không đuổi khách đi. Họ cũng không dựng những mô hình vi phạm thuần phong mỹ tục, hay gây phản cảm như dựng các tượng sinh thực khí, các biểu tượng tình dục (dù ở quốc gia khác có thể chấp nhận)", luật sư Giang cho biết.

Một bức tượng ở điểm check in Thung lũng xanh Sa Pa.jpg

Một bức tượng ở điểm check-in Thung lũng xanh Sa Pa

Điểm chung của các điểm check-in là thường gắn với vườn, đồi, rừng để tạo cảnh quan; không cần hạ tầng cầu kì nên không can thiệp thô bạo vào cảnh quan thiên nhiên bằng các hành vi đào bới, chặt phá... thậm chí còn tôn tạo cho đẹp hơn. Các mô hình, tiểu cảnh cũng chỉ là đặt lên trên đất, dễ dàng tháo lắp, di chuyển, không phải công trình kiên cố.

"Nên nhìn trên quan điểm phát triển, đất du lịch để hoang hóa, cằn cỗi thì còn lãng phí hơn. Chúng ta không nên nhìn theo con mắt hành chính, chỉ là quản và cấm. Nếu đưa ra cơ chế quản lý cứng, quy định trên đất nào được xây dựng cái gì thì sẽ kéo theo cả hàng loạt giấy phép con, triệt tiêu rất nhiều tâm huyết, ý tưởng sáng tạo, cơ hội kinh doanh của những người làm du lịch", vị luật sư nhấn mạnh.

Sa Pa đang thiếu một cơ chế quản lý mềm

Theo luật sư Nguyễn Bá Trường Giang, nhất thiết vẫn phải đưa các điểm check-in vào quản lý, trong khi Luật chưa quy định thì thực hiện ở góc độ địa phương, nhưng cần một cơ chế quản lý mềm, phù hợp với đặc thù của ngành "công nghiệp không khói".

"Vì mô hình check-in rất mới nên địa phương cũng phải mạnh dạn thí điểm. Cũng không nên vừa thấy mạng xã hội phản ứng tiêu cực là đưa ra chế tài, nhất là đối với những phản ứng dựa trên quan điểm xấu đẹp rất khó xác định ranh giới", luật sư Giang cho hay.

Tượng đầu phật ở Suối Hồ - Sa Pa.jpg

Tượng đầu phật ở Suối Hồ - Sa Pa

Theo vị luật sư này, chính quyền và các chủ cơ sở cần ngồi lại với nhau, bàn bạc giải pháp theo hướng mở cửa cho làm, song song với cam kết, gắn trách nhiệm của nhà đầu tư kể cả về mặt tài chính. Như vậy, vừa đảm bảo tính đồng bộ, không hủy hoại đất, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, vừa tăng thu ngân sách mà lại hạn chế được tiêu cực, nhiêu khê.

Một chủ cơ sở check-in ở Sa Pa chia sẻ, do chưa có quy định nên những người tiên phong phát triển mô hình này ở Sa Pa không biết phải tìm đến cơ quan nào để giải quyết thủ tục. Đến khi đi vào hoạt động rồi, thực tế đã phát sinh vướng mắc, như việc mở cửa bán vé đòi hỏi phải là điểm du lịch, phải kê khai thuế nên nhiều cơ sở đã "lách luật" bằng cách mở bán combo, chẳng hạn như bán đồ uống, "fastfood" kèm suất vào cửa để không bị cơ quan chức năng "sờ gáy".

"Thực chất không ai muốn làm sai cả, chỉ vì chưa có quy định. Chúng tôi cũng muốn được phát triển, kinh doanh đàng hoàng, muốn đóng góp trách nhiệm với Sa Pa nhưng cần cơ chế thông thoáng, hướng dẫn cụ thể", vị chủ cơ sở cho biết.

Đã đến lúc kết thức trò chơi "thả đỉa ba ba”

Trong vòng 3 tháng, từ 2 làn sóng dư luận kéo theo các quyết định chóng vánh của chính quyền, 2 bức tượng bị chê bôi đều phải tạm dừng thi công, bọc bạt che đi cái xấu, thậm chí phải dỡ bỏ rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng, đúng như cách nó sinh ra để những người theo trào lưu thời thượng đến check-in, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội rồi tiếp tục kiếm tìm chỗ mới, mặc kệ những khoảnh khắc trôi theo dòng thời gian.

Câu chuyện của điểm check-in An Sa Pa phần nào giống với trò chơi dân gian "thả đỉa ba ba". Lấy con đỉa ba ba làm trung tâm để đám trẻ thơ xung quanh trêu đùa, mặc kệ việc tự mình bị bắt thành con đỉa bất cứ lúc nào.

Bức tượng nữ thần tự do và nữ hoàng băng giá Elsa của An Sa Pa do ông Nguyễn Ngọc Đông làm chủ không khác nào những con đỉa quằn quại giữa dòng nước, bị bao người xung quanh chê cười. Nhưng trong một xã hội văn minh, không thể lấy đây là niềm vui.

Cũng lưu ý rằng, báo cáo số 355 hồi tháng 5 của UBND thị xã Sa Pa sau khi rà soát sơ bộ khoảng 20 điểm check-in trên địa bàn cho thấy, không riêng An Sa Pa, tất cả các cơ sở khác đều tự phát, không đạt chuẩn, chiểu theo quy định sẽ đều phải có chế tài xử lý.

Cuộc sống vận động từng ngày, hệ thống pháp luật khó có thể bao trùm hết được, mà luôn tồn tại những lỗ hổng cần thời gian bổ khuyết. Đó cũng là tín hiệu của một xã hội phát triển, ngày một hoàn thiện. Thái độ chúng ta nhìn nhận, ứng xử hài hòa, thỏa đáng trước mọi vấn đề mới là đáng quý.

Câu chuyện về những bức tượng "xấu xí" có lẽ cũng nên khép lại, để Sa Pa sớm tìm ra lối mở phù hợp, xứng tầm khu du lịch quốc gia và trò chơi "thả đỉa ba ba" trong câu chuyện này cũng đã đến lúc kết thúc.

Ý kiến của bạn