Tin tức

Tục thờ cúng tổ tiên của đồng bào Thái Tây Bắc

(VOVTV) - Từ xa xưa đồng bào Thái đã có tục thờ cúng tổ tiên, trong đó thờ cúng ngày Tết cổ truyền được bà con chú trọng hơn.

Tác giả Lường Hạnh / VOV Tây Bắc
21/01/2023 05:13

Từ xa xưa đồng bào Thái đã có tục thờ cúng tổ tiên, trong đó thờ cúng ngày Tết cổ truyền được bà con chú trọng hơn. Bà con thường tổ chức lễ cúng vào ngày cúng cơm của dòng họ trong những ngày đầu năm mới theo lịch Thái, tính theo lịch can, chi.

Theo quan niệm của đồng bào Thái, muốn có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sinh sôi đầy đàn thì phải chú trọng đến việc thờ cúng tổ tiên. Nên từ đầu năm bà con đã có kế hoạch cho bị cho việc thờ cúng.

Gia chủ chuẩn bị con lợn khoảng 50 đến 60 kg, khoảng 30 cân gạo, hơn 20 lít rượu... Còn các chị, em gái đã theo chồng thì chuẩn bị con gà, 2 gói xôi, 2 chai rượu và các loại nông sản do mình làm ra đem về cúng ông bà, tổ tiên. Trước khi bước vào năm mới chủ nhà sẽ có lời nhờ ông mo đến cúng cho nhà mình, sau đó mới mời đến anh em họ hàng, làng xóm...

Tục thờ cúng tổ tiên của đồng bào Thái Tây Bắc - Ảnh 1.

Mâm cúng tổ tiên của đồng bào Thái

Đến ngày cúng cơm của dòng họ, mỗi gia đình sẽ cho con cháu đến phụ giúp gia chủ làm lễ cúng. Trước ngày làm lễ cúng, từ chiều hôm trước chủ nhà sẽ chuẩn bị một đĩa trầu, cau, 1 bó lá dong, một con dao, một cái thớt, 1 cái xiên thịt, 1 cái híp nướng thịt, 1 khẳng xạ (một loại dụng cụ đựng rau) lên chỗ cọ lọ hóng (gian thờ) để báo trước với tổ tiên.

Ông mo Mè Văn Dinh bản Na Huổi, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai cho biết thêm: “Năm hết Tết đến, con cháu muốn mời tổ tiên về vui Tết, người nào đi làm nương, làm ruộng chưa về các cụ nhớ báo giúp, ngày mai sẽ thịt lợn mời các cụ nhớ rủ nhau về, con cháu làm lễ báo trước, không được ai nói là không biết...làm thủ tục cúng tổ tiên khổng thể thiếu bó lá dong để trình báo trước...”

Sáng sớm ngày làm lễ cúng, gia chủ thịt con lợn, cắt lấy thủ lợn, 4 chân, đuôi và một ít nội tạng luộc chín, đánh 1 bát tiết canh, xiên thịt nướng, 1 gói thịt băm nướng và bát canh măng chua làm mâm cúng mời tổ tiên. Ngoài ra còn có 2 ép khảu (đồ đựng xôi), 2 chai rượu trắng, kẹo bánh, hương hoa.

Ông Lò Xương Hặc ở bản Phang xã Chiêng Đông, huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên cho biết: "Chúng tôi làm thủ tục thờ cúng tổ tiên, anh em họ hàng không thể thiếu vì có liên quan đến nhau hết. Làng xóm láng giềng cũng được mời đến chung vui, nếu làm to còn mời cả bản trên, mường dưới đến vui cùng. Còn con gái sẽ mang gà và các thứ nông sản đến thắp hương cho tổ tiên".

Sau khi đã chuẩn bị xong, chủ nhà đặt mâm cúng ngay cọ lọ hóng (góc trong cùng gian cuối của nhà sàn). Gia chủ chuẩn bị cho ông mo sổ ghi chép tên của những người đã khuất trong dòng họ để ông mo gọi mời họ đến ăn tết với con cháu.

Theo thứ tự ông mo sẽ mời thân sinh gia chủ trước sau đó đến tên các cụ những người đã khuất trong dòng họ... Mỗi tên người khi ông mo gọi đến sẽ bón 3 miếng thịt, 3 thìa măng... vào chỗ (hu hóng) chỗ thờ cúng tổ tiên của đồng bào Thái người ta đục lỗ nhỏ để đút vừa miếng thịt gọi là (pỏn phi hươn) bón ma nhà.

Cúng xong một hồi chủ nhà chuẩn bị sẵn một mâm cúng có thịt gà và đủ các loại như ở mâm trên gọi là (tam tạy). Cúng xong tam tạy, một mâm cỗ được chủ nhà dọn ra ngoài sàn để ông mo mời thổ công, thổ địa, ma rừng, ma núi, thần sông suối và cầu khấn phù hộ cho gia chủ được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

Ông Mè Văn Dinh cho biết thêm: "Ông mo cúng xong một lượt rồi cúng tam tạy, xong mới quay ra cúng tiếp, 3 lượt mới xong việc nếu không làm thế thì chưa xong việc. Tất cả lời cúng của ông mo là mời tổ tiên về ăn cỗ của con cháu và phù hộ cho con cháu, anh em họ hàng luôn mạnh khoẻ, năm mới làm ăn tốt hơn năm cũ."

Ông mo cúng xong, gia chủ đặt mâm cơm mời anh em họ hàng, làng xóm đến chung vui, cùng nâng chén rượu chúc tụng gia chủ năm mới dồi dào sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu.

Tục thờ cúng tổ tiên theo dòng họ của đồng bào Thái đến nay vẫn được duy trì. Qua việc thờ cúng ngày Tết, tình đoàn kết trong dòng họ càng thêm gắn bó, họ thường chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường.

Ý kiến của bạn