Giải trí

Tục đón Tết Nguyên đán lạ kỳ của đồng bào các dân tộc

Dịp Tết Nguyên đán, người Mường đi gọi vía trâu về ăn Tết, người Thái gọi hồn những người trong gia đình, còn người Lô Lô có tục đi ăn trộm lấy may...

13/02/2021 10:39

Việt Nam có 54 dân tộc anh em với sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán. Riêng hoạt động đón Tết Nguyên đán đã mỗi dân tộc mỗi vẻ, với nhiều phong tục độc đáo, kỳ lạ.

Người Mường gọi trâu về ăn Tết 

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày.

Ngoài ra, họ cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Người H'mông vỗ mông tỏ tình

Vào dịp Tết, thanh niên trai gái H'mông thường hay tụ tập dưới chân núi để vui xuân. Khi thích cô gái nào, người con trai sẽ vỗ vào mông cô và nếu được đồng ý sẽ dắt tay tìm chỗ tâm tình thâu đêm suốt sáng.

Tục đón Tết Nguyên đán lạ kỳ của đồng bào các dân tộc - Ảnh 1.

Người H'mông vỗ mông tỏ tình

Lễ hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc) trong dịp Tết là lễ hội lớn nhất trong năm, thể hiện nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người H'mông. Lễ hội có rất nhiều hoạt động văn hoá như ném pao, múa khèn, múa ô, hát ống, hát giao duyên...

Tục gọi hồn của người Thái 

Vào tối 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình người Thái làm thịt hai con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn cho những người trong nhà.

Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành viên bó chặt một đầu với nhau và vắt lên vai. Tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng gọi hồn. Sau khi gọi khoảng 2- 3 lần, thầy về chân cầu thang của gia chủ để gọi thêm lần nữa, cuối cùng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên để trừ tà ma.

Người Thái “đón năm mới với tiếng sấm”

Tết cổ truyền của đồng bào Thái tại Nghệ An, Thanh Hóa thường không dựa vào lịch mà phần lớn dựa vào dấu hiệu của trời đất. Hễ trời chuyển mùa sau khi thu hoạch mùa màng xong, tiếng sấm đầu tiên vang lên thì đó là lúc năm mới đến.

Sau khi nghe tiếng sấm, chủ nhà sẽ gọi các thành viên trong gia đình dậy, đồng thời chạm vào các vật dụng trong nhà để đánh thức chúng cùng đón năm mới. Dựa vào chính tiếng sấm đó, già làng sẽ đưa ra dự báo về năm sau. Tiếng sấm càng rền vang chứng tỏ cả năm mùa màng càng bội thu, mưa thuận gió hòa.

Người Thái trắng gội đầu bằng nước gạo chua

Vào chiều 30 Tết Nguyên đán, người Thái trắng ở Sơn La có tục gội đầu để xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm cũ.

Lễ hội gội đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc Thái trắng.

Tục đón Tết Nguyên đán lạ kỳ của đồng bào các dân tộc - Ảnh 2.

Người Thái trắng ở Sơn La có tục gội đầu để xua đi tất cả những gì không may mắn

Tết nhảy của người Dao 

Người Dao đón Tết bằng tục "Nhiang chằm Ðao" (Tết nhảy) để rèn luyện sức khoẻ và võ nghệ, bắt đầu trước Tết Nguyên đán vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Mỗi người phải nhảy múa hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...

Những người tham gia sẽ nhảy hết mình không kể ngày đêm, ai kiệt sức thì nghỉ ngơi để hồi lại và tiếp tục cuộc vui. Họ nhảy lần lượt hàng trăm điệu khác nhau trên nền tiếng chuông, trống rộn rã sức xuân.

Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may

Dân tộc Lô Lô quan niệm rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì đó thì sẽ gặp nhiều may mắn, ăn nên làm ra. Do đó mà có tục đi lấy trộm cầu may, nhưng không lấy nhiều hay lấy những vật có giá trị.

Tục đón Tết Nguyên đán lạ kỳ của đồng bào các dân tộc - Ảnh 3.

Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may

Người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) thường sẽ lấy trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Còn với người Lô Lô ở Mèo Vạc,  số may mắn là số 3, có thể lấy trộm 3 củ tỏi, 3 lá rau. Khi đi lấy trộm vào đêm giao thừa, họ sẽ không rủ nhau mà lặng lẽ không để chủ nhà bắt được.

Người Giẻ Triêng ném tro lên mái nhà

Cứ đến 26, 27 tháng Chạp mỗi năm, thanh niên trai tráng Giẻ Triêng lại rủ nhau lên rừng đốn củi để đốt và mang tro về nhà. Những người còn lại ở nhà chuẩn bị nấu xôi, nắm vào các cây khô rồi đốt thành than. Số tro này sẽ tập hợp lại rồi tung lên cao, mọi người tập trung thành đám phía dưới để hứng tro, hứng được càng nhiều thì may mắn và hạnh phúc trong năm tới càng lớn.

Người Cao Lan dán giấy đỏ lên đồ vật

Trước Tết khoảng 2 ngày, người Cao Lan "niêm phong" tất cả đồ đạc của gia đình mình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy đỏ để các vật này được "nghỉ Tết". Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ.

Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là cách bắt đầu một năm mới an khang, thịnh vượng.

Tục đón Tết Nguyên đán lạ kỳ của đồng bào các dân tộc - Ảnh 4.

Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành

Ngày mồng 1, họ đi thăm họ hàng, mồng 2 thăm làng xóm. Món ăn đặc trưng trong ngày Tết là bánh vắt vai,  được làm từ gạo nếp, gói trong tàu lá chuối, nhân bánh là đỗ và đường. Người Cao Lan dùng bánh này để đi lễ Tết họ hàng nội ngoại ở xa. Vì bánh được cấu tạo theo chiều dài, có thể vắt trên vai nên người ta gọi đó là bánh vắt vai.

Người Pu Péo "thi gáy với gà"

Đến thời khắc giao thừa, người Pu Péo ở Hà Giang phải canh chừng mấy chú gà trống. Khi nào gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy.

Người Pu Péo quan niệm, tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy. Vì thế, ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Người Pà Thẻn thờ bát nước lã

Điểm độc đáo trong bàn thờ của người Pà Thẻn là luôn xuất hiện một bát nước lã đầy được đậy kín. Nếu nước vơi đi thì phải đợi đến tháng 6, chủ gia đình mới được mở bát và chế thêm nước cho đầy.

Tục đón Tết Nguyên đán lạ kỳ của đồng bào các dân tộc - Ảnh 5.

Người Pà Thẻn thờ bát nước lã

Đêm giao thừa, tất cả các cửa trong nhà đều được đóng kín và bịt hết lỗ thoáng. Chủ nhà sẽ dùng nước trong bát đó để lau chùi sạch sẽ rồi thay lượt nước khác đón chào năm mới. Mọi hành động trên đều diễn ra bí mật, nếu bị phát hiện thì cả nhà sẽ gặp xui xẻo, vận hạn trong năm mới.

Người Nùng không gói bánh chưng ngày chẵn

Người Nùng cũng đón Tết gần giống với người Kinh. Bữa ăn đêm giao thừa luôn được coi trọng nhất, và nhất thiết cũng phải có bánh chưng. Tuy nhiên, họ không bao giờ gói bánh vào những ngày chẵn. Người Nùng tin rằng ngày chẵn không may mắn, nếu cố tình gói bánh chưng vào ngày đó thì nương ruộng dễ bị vỡ lở, sâu bọ phá hoại mùa màng...

Người Hà Nhì xem bói bằng gan lợn thiến

Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới.

Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo và các hộ gia đình tự nuôi lấy. Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng. Người Hà Nhì cho rằng lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.

Tục đón Tết Nguyên đán lạ kỳ của đồng bào các dân tộc - Ảnh 6.

Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt được coi trọng

Lễ bắt chồng ở Tây Nguyên

Khi Tết Nguyên đán đến, đồng bào các dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho... ở Tây Nguyên vào mùa lễ hội bắt chồng. Lễ này diễn ra ban đêm. Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm.

Ngày cưới, chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ, ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ.

Ý kiến của bạn