Tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống - yếu tố quyết định diễn biến dịch Covid-19
Đến 6h ngày 30/8, thế giới ghi nhận 217.167.678 ca mắc Covid-19, trong đó, 4.514.091 người đã tử vong, 194.057.994 người đã bình phục.
Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cảnh báo, Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng của SARS-CoV-2, bởi khi vi rút lây lan càng nhiều, sẽ càng biến đổi mạnh mẽ và khó lường. Trong bối cảnh đó, WHO kêu gọi thế giới hành động khẩn trương chống biến thể Delta, trước khi các biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện, mà trước hết là tập trung ưu tiên triển khai tiêm chủng đại trà.
Tổ chức này cũng khẳng định, mục tiêu này chỉ thực hiện được khi các nước cùng chia sẻ và đoàn kết trong cuộc chiến chống dịch. Trong đó, việc mỗi cá nhân và cộng đồng tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch là yếu tố quyết định diễn biến dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Châu Á - châu Đại Dương
Châu Á vẫn tiếp tục là điểm nóng của dịch với số ca mắc và tử vong trong tuần qua cao nhất thế giới. Để ứng phó, các nước trong khu vực đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phân phối bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu vẫn tiếp tục là thách thức lớn, khi nhiều nước giàu có đang tiêm mũi thứ ba thì nhiều nước đang phát triển chưa có đủ vaccine để tiêm mũi đầu cho người dân.
Cũng theo The Guardian, đà phục hồi của thương mại toàn cầu trong mùa hè đã bắt đầu chững lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều khu vực sản xuất của Đông Á. Xuất khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) - nguồn cung linh kiện bán dẫn chính của thế giới suy giảm nghiêm trọng kết hợp với tình trạng đóng cửa tạm thời cảng biển, phong tỏa giãn cách tại Australia, Trung Quốc, Nhật Bản càng khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ.
Ấn Độ, quốc gia từng là tâm dịch thế giới hồi tháng 3 vừa qua, đang đối mặt với đợt lây nhiễm mới khi liên tục ghi nhận hơn 44.000 ca mắc mỗi ngày, tăng 17% trong 1 tuần và số ca tử vong cũng tăng 10% với hơn 450 ca mỗi ngày.
Nhật Bản cũng chứng kiến số ca mắc mới và tử vong tăng trong tuần qua, lần lượt 11% và 60%. Với số ca mắc mới trung bình hơn 22.000 ca mỗi ngày, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp, nâng tổng số tỉnh, thành đang áp dụng lên 21, trong đó có thủ đô Tokyo.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Giới chuyên gia nhận định, tỷ lệ bao phủ vaccine thấp ở Đông Nam Á là nguyên nhân khiến số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 ở nhiều nước tăng.
Với 20.579 ca nhiễm trong ngày 29/8, Malaysia tiếp tục đứng đầu khu vực về số ca mắc mới, chủ yếu do biến thể Delta. Trong khi đó, Philippines ghi nhận nhận thêm 18.528 ca bệnh mới, mức cao thứ nhì theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát. Đảo quốc này hiện có 1.954.023 ca mắc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, “đảo quốc sư tử” đã hoàn thành việc tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cho 80% trong tổng số 5,7 triệu người dân nước này.
Tại Thái Lan, Cơ quan hàng không dân dụng nước này (CAAT) thông báo cho phép nối lại một số chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và một số khu vực có nguy cơ cao khác kể từ ngày 1/9 nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, các chuyến bay chỉ được hoạt động 75% công suất, hành khách phải đáp ứng đủ các tiêu chí phòng dịch, trong đó yêu cầu chứng nhận đã tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Tại châu Đại Dương, dù số ca mắc mới đã giảm so với tuần trước, tình trạng lây nhiễm vẫn đáng lo ngại. Tại Australia, hàng loạt ổ dịch mới đã xuất hiện khiến Sydney, Melbourne, Canberra… đều phải áp đặt và gia hạn các biện pháp phong tỏa.
Châu Âu
Hội đồng châu Âu (EC) đang cân nhắc việc yêu cầu các quốc gia thành viên EU cấm đi lại đối với du khách đến từ Mỹ để ngăn chặn sự xâm nhập của Covid-19. Động thái này diễn ra trong bối cảnh giới chuyên gia lo ngại, nhiệt độ thấp hơn trong mùa thu này sẽ tạo điều kiện để đại dịch dễ lây lan ở lục địa già, đặc biệt trong bối cảnh mùa tựu trường tới. Một số ý kiến cũng cho rằng, biến thể Delta sẽ chiếm tới 90% ca mắc mới Covid-19 tại EU.
Tại Đức, trong 7 ngày qua, giới chức y tế xác nhận thêm gần 63.400 người mắc Covid-19, tăng 39% so với tuần trước đó; 103 ca tử vong, tăng 53%. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết, tỷ lệ số ca có kết quả xét nghiệm PCR dương tính trong tuần thứ hai của tháng 8 đã tăng từ 4% lên 6%, trong đó, những người trẻ tuổi hơn (từ 10-49 tuổi) là đối tượng nhiễm nhiều nhất.
Tại Thụy Sĩ, cơ quan quản lý công nghiệp Swissmem ghi nhận, ngành cơ khí và kỹ thuật điện của nước này đã phục hồi đáng kể sau những thiệt hại từ đại dịch. Doanh số bán hàng trong nửa đầu năm 2021 đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng đơn đặt hàng mới tăng 24,4% và xuất khẩu tăng 15,6%.
Châu Mỹ
Mỹ hiện ghi nhận hơn 152.400 ca nhiễm mới mỗi ngày, gấp 13 lần so với cách đây 9 tuần. Số ca tử vong mỗi ngày trung bình hơn 1.000 trường hợp, cao nhất thế giới. Tới sáng 30/8, nước này đã có tới 39.664.783 ca mắc Covid-19.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, số ca nhập viện vì Covid-19 của nước này đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau một tháng. Trong đó, riêng tuần qua, mỗi giờ trung bình có đến 500 người phải vào viện vì Covid-19. Mỹ hiện có khoảng 101.500 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trong bệnh viện, mức cao nhất kể từ đỉnh dịch hồi tháng 1/2021, là áp lực lớn đối với hệ thống y tế công cộng.
Tại Canada, tỷ lệ ca mắc Covid-19 và tử vong trong tuần qua lần lượt tăng 28% và 21%. Các chuyên gia dự báo số ca mắc mới trong trẻ em và thanh, thiếu niên có thể tăng lên trong làn sóng lây nhiễm thứ tư này, khi hàng triệu trẻ em chưa được tiêm chủng trở lại trường học.
Tại Cuba, tình trạng thiếu oxy y tế xảy ra khi nhà máy sản xuất lớn nhất của quốc gia này, nằm ở ngoại ô thủ đô Havana, gặp sự cố kỹ thuật.
Tin nổi bật
Tin Video