Tin tức

Tủa Chùa, Điện Biên: Lo ngại thiếu hàng trăm giáo viên, cơ sở vật chất khó khăn

(VOVTV) - Trước thực trạng thiếu gần 400 giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên tiếng Anh... cùng cơ sở vật chất khó khăn, ông Vũ Đức Biểu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã có báo cáo đề xuất lên cấp trên.

Tác giả Lê Dung
01/01/2023 09:06

Thiếu 376 giáo viên các cấp

Tủa Chùa là huyện vùng núi cao của tỉnh Điện Biên. Đây là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp không ít khó khăn. Lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ. Vấn đề thiếu giáo viên đứng lớp, cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu dạy và học đang là "bài toán" khiến ngành giáo dục địa phương nơi đây trăn trở. 

Tủa Chùa, Điện Biên: Lo ngại thiếu hàng trăm giáo viên, cơ sở vật chất khó khăn - Ảnh 1.

Nhà tạm cho học sinh nội trú

Theo báo cáo, năm học 2022 - 2023, toàn ngành giáo dục huyện Tủa Chùa còn thiếu 376 giáo viên so với định mức quy định, trong đó: bậc học mầm non thiếu 220 giáo viên; bậc học tiểu học thiếu 82 giáo viên; bậc học THCS thiếu 74 giáo viên. Trong đó, đội ngũ giáo viên đa phần tuổi đời còn trẻ, nên số giáo viên nghỉ chế độ thai sản trong năm khá cao, nhiều giáo viên nghỉ hưu, chuyển vùng và xin thôi việc.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của hầu hết các trường được chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục. Số phòng học xuống cấp hết niên hạn sử dụng chiếm tỷ lệ lớn. Hệ thống phòng học chức năng, thư viện, thí nghiệm, nhà bán trú, nhà công vụ, sân chơi, bãi tập và các hạng mục phụ trợ khác chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. 

Tủa Chùa, Điện Biên: Lo ngại thiếu hàng trăm giáo viên, cơ sở vật chất khó khăn - Ảnh 2.

Mượn cơ sở vật chất của xã để làm lớp học

Trao đổi với PV Truyền hình VOV, ông Vũ Đức Biểu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Tủa Chùa cho biết, ngoài nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình học sinh khó khăn không có điều kiện để các em tiếp tục đi học, nhất là đối với bậc THCS một số em là lao động chính trong gia đình nên phải ở nhà phụ giúp gia đình thì tơ sở vật chất tại các trường học của huyện Tủa Chùa nghèo nàn, đội ngũ giáo viên còn thiếu, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên ngoại ngữ, ảnh hưởng đến việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường và chất lượng thực hiện chương trình giáo dục. 

Tủa Chùa, Điện Biên: Lo ngại thiếu hàng trăm giáo viên, cơ sở vật chất khó khăn - Ảnh 3.

Giáo viên tự tu sửa cơ sở vật chất

Điều kiện làm việc, đời sống của một bộ phận cán bộ, giáo viên vùng xa trung tâm huyện còn gặp nhiều khó khăn khiến việc tuyển giáo viên khó khăn . Hiện tại trên địa bàn huyện chưa phát triển loại hình cơ sở giáo dục mầm non tư thục; nhóm trẻ gia đình trên địa bàn phần lớn là do các gia đình tự thỏa thuận theo hình thức trông, coi trẻ, nên việc giám sát các điều kiện, chất lượng giáo dục trẻ gặp nhiều khó khăn cho các cấp quản lý.

Cần ưu tiên các nguồn vốn cho giáo dục

Từ thực tế trên, người đứng đầu ngành giáo dục huyện Tủa Chùa kiến nghị, UBND tỉnh Điện Biên cần tăng biên chế hàng năm để đảm bảo giáo viên trên lớp theo quy định và phù hợp với quy mô phát triển trường. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2022-2023. UBND huyện Tủa Chùa, cần chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tạo điều kiện thuận lợi để Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động, tự chủ trong công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên môn, huy động nguồn lực tài chính, con người, chủ động trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý. 

Tủa Chùa, Điện Biên: Lo ngại thiếu hàng trăm giáo viên, cơ sở vật chất khó khăn - Ảnh 4.

Nhà ăn của học sinh được dựng tạm

Cùng với đó, cần ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn cân đối ngân sách địa phương, lịch vực giáo dục và đào tạo, vốn huy động từ cộng đồng và nguồn hợp pháp khác…

Một trong các chính sách quan trọng đang được Chính phủ xem xét là tăng lương cho giáo viên để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác. Bộ GD-ĐT đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.

Hiện, Bộ GD-ĐT cũng tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Xây dựng môi trường văn hóa học đường, đổi mới quản trị của các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất. 

Tủa Chùa, Điện Biên: Lo ngại thiếu hàng trăm giáo viên, cơ sở vật chất khó khăn - Ảnh 5.

Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ xã Sính Phình tham gia lao động giúp nhà trường xây dựng phòng học tạm cho học sinh.

Đối tượng của Chương trình là trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở giáo dục mầm non thuộc các huyện nghèo, thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các thôn, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, cơ quan có thẩm quyền (sau đây gọi chung là vùng khó khăn) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, đối với giáo viên, đến năm 2025 bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; Đến năm 2030 bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chương trình đưa ra 6 giải pháp, đó là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Triển khai chương trình giáo dục mầm non phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em. Huy động các nguồn lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên.


Ý kiến của bạn