Xã hội

Từ vụ mái ấm Hoa Hồng: Có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội

(VOVTV) - Các cơ sở trợ giúp xã hội đang có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác. Luật Trẻ em có quy định rõ phải ưu tiên cho trẻ em được chăm sóc thay thế bằng môi trường gia đình, chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng nhưng nhiều cơ sở đang không tuân thủ quy định này.

Tác giả Hà Nam/VOV1
05/09/2024 18:40

Đây là nhấn mạnh của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tại buổi thông tin với báo chí về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em và vụ việc xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay (5/9).  

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ, Bộ LĐTBXH: Vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra ở mái ấm Hoa Hồng, thành phố Hồ Chí Minh là sự việc gây bức xúc dư luận xã hội, bởi hành vi bạo lực diễn ra với cả trẻ sơ sinh. Đây là những hành vi không bao giờ được phép xảy ra ở cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, đặc biệt là nuôi dưỡng các cháu nhỏ. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc đã xảy ra, dù cơ sở này từng được cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra trước đó.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết: Ngay khi tiếp nhận vụ việc, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có công điện gửi và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện khẩn cấp ba nhiệm vụ gồm: Yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan; triển khai các biện pháp chăm sóc và đảm bảo an toàn cho các nạn nhân là trẻ em; đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở chăm sóc trẻ em. Chính quyền thành Phố Hồ Chí Minh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng lập đoàn kiểm tra cơ sở mái ấm Hoa Hồng. Tại đây, cơ quan chức năng đã tiến hành đưa các bé từ cơ sở mái ấm Hoa Hồng đến các cơ sở chăm sóc công lập, để đảm bảo an toàn.

Với cơ sở mái ấm Hoa Hồng, ông Đặng Hoa Nam cho biết theo giấy phép hoạt động, cơ sở này chỉ được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng thực tế có thời điểm gần gấp 2-3 lần. Việc đón trẻ vượt năng lực chăm sóc dẫn đến trẻ không an toàn, không được chăm sóc đầy đủ. Theo đó, Cục Trẻ em đề nghị Thành Phố Hồ Chí Minh thời gian tới phải thiết lập được cơ chế, mạng lưới điều phối chuyển tuyến tại các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung. Việc tập trung quá đông, không chuyển tuyến phải được phòng ngừa, thực hiện từ xa. Cầu nối điều phối có thể là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội trực thuộc thành phố. Các đơn vị này có nhiệm vụ thông báo đến các cơ sở trợ giúp xã hội về việc không được phép giữ trẻ ở lại khi quá tải, để trẻ luôn luôn được chăm sóc trong môi trường tốt nhất

Mặt khác, ông Đặng Hoa Nam cũng cảnh báo có tình trạng các cơ sở trợ giúp xã hội đang có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội. 

Từ vụ mái ấm Hoa Hồng: Có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội- Ảnh 1.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, thông tin với báo chí

"Có tình trạng các cơ sở trợ giúp xã hội đang có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội"

Theo ông Nam, từ vụ việc này cũng cho thấy, lỗ hổng lớn nhất là lỗ hổng về nhân lực bảo vệ trẻ em cấp xã. Luật Trẻ em có quy định phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em là công chức hoặc trong số người hoạt động công chức cấp xã để phát hiện sớm, phòng ngừa và xây dựng các kế hoạch cụ thể cho từng đối tượng trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang gặp khó khăn. Thanh tra của ngành hoặc thanh tra địa phương các tổ chức chính trị xã hội có chức năng giám sát không thể nào có đủ người, đủ thời gian để giám sát các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình và cộng đồng cũng như có các cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Công tác bảo vệ trẻ em phần lớn là giao cho công chức lao động thương binh xã hội, người vốn đã làm rất nhiều công việc và thường xuyên bị quá tải, với tất cả những lĩnh vực quản lý nhà nước và các hoạt động an sinh xã hội của ngành. Do đó, họ không đủ năng lực và thời gian đáp ứng quy định của luật Trẻ em về bảo vệ chăm sóc trẻ em, cũng như giám sát việc chăm sóc trẻ em.  

Để có những giải pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra tương tự trong các cơ sở trợ giúp xã hội, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng; Việc duy trì thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Trong thanh tra, kiểm tra về công tác xã hội nói chung, cần phải ưu tiên việc thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ trẻ em nói chung và thanh tra, kiểm tra về các cơ sở, các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Đối với các cơ sở chăm sóc trẻ không thu phí, tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ từ xã hội, từ các cá nhân hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức bên ngoài, trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng phải kiểm tra và xử lý dứt điểm những việc không lập sổ sách, không công khai tài chính về các nguồn lực vật chất được sử dụng cho trẻ, để tránh việc trục lợi, lợi dụng việc chăm sóc trẻ để thu hút các nguồn hỗ trợ từ xã hội.

Bên cạnh trách nhiệm tăng cường giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng và của người đứng đầu, việc sử dụng công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin để có cơ sở dữ liệu phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực đối với trẻ trong các cơ sở chăm sóc tập trung cũng là việc làm cần thiết./.

Ý kiến của bạn