Từ trang phục 'Bàn thờ' đến thiết kế 'Cầu tõm'
Bản thiết kế có tên “Cầu tõm - 9 củ thành 10” do Lý Thị Út Lành lên ý tưởng gây tranh cãi, phần đông dư luận lên án chỉ trích.
Bản vẽ lấy ý tưởng từ một hình thức nhà vệ sinh ở vùng quê miền Tây đang gây tranh cãi khi xuất hiện trong cuộc thi tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss International Queen 2021.
Cụ thể, bản thiết kế có tên “Cầu tõm - 9 củ thành 10” do Lý Thị Út Lành (sinh năm 2004) lên ý tưởng. Bộ trang phục sử dụng mô hình gỗ, phần phía dưới tái hiện hình ảnh dòng nước với các chú cá. Khi trình diễn, người mặc cầm trên tay giấy vệ sinh, tháo gỡ phần mô hình để khoe vóc dáng.
Ngay lập tức, phần đông dư luận lên án chỉ trích, cho rằng bộ trang phục vừa không thể hiện được nét văn hóa, truyền thống dân tộc, vừa không phù hợp, thậm chí “mất vệ sinh”.
Đây không phải lần đầu tiên thiết kế trang phục dân tộc dành cho đại diện Việt Nam tại đấu trường nhan sắc quốc tế gây tranh cãi.
Năm 2016, Sen vàng Việt Nam của Khả Trang mang đến Hoa hậu Siêu quốc gia 2016 cũng từng tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Theo đó, thiết kế của Lê Long Dũng nặng đến 40kg, kết hợp sự mạnh mẽ của cha Rồng - Lạc Long Quân và sự mềm mại, thanh thoát của mẹ Tiên - Âu Cơ trong truyền thuyết. Nhưng trang phục bị đánh giá cồng kềnh, lòe loẹt và giống với các nhân vật trong game trực tuyến hay đậm phong cách Trung Quốc.
Cách đây 3 năm, thiết kế “Bàn thờ” của Phạm Quang Minh bất ngờ dẫn đầu Top 10 thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy đến Miss Universe 2019. Phần đông dư luận bày tỏ sự khó hiểu với ý tưởng đưa bàn thờ lên trang phục của tác giả này.
Tương tự, trang phục dân tộc của H’Hen Niê tại Miss Universe 2018 gây nhiều tranh cãi từ khi còn là bản thảo dự thi. Bộ váy do thí sinh Phạm Phước Điền lấy ý tưởng về món bánh mì nổi tiếng, qua đó giới thiệu bản sắc ẩm thực của Việt Nam với thế giới.
Song, có khán giả cho rằng, bánh mì vốn xuất xứ từ nước ngoài, khó có thể đại diện cho văn hóa nước nhà. Chưa kể, bộ trang phục thành phẩm đầu tiên trông thô kệch, thiếu tính thẩm mỹ.
Ê-kíp sau đó phải chỉnh sửa gần như toàn bộ trang phục, chỉ giữ lại ý tưởng bánh mì nhưng vẫn vấp phải phản đối. Dù vậy, H’Hen Niê vẫn tự tin trình diễn bộ trang phục và mang lại hiệu ứng tích cực.
Thực tế, không riêng tại Việt Nam, rất nhiều thiết kế trang phục dân tộc của các đại diện khác trên thế giới cũng từng gây tranh cãi bởi sự cầu kỳ, khó hiểu hoặc quá rườm rà, quá hở hang, thậm chí là “đạo nhái” ý tưởng.
Theo khảo sát, phần đông nhà thiết kế cho rằng, việc cho ra đời một thiết kế vừa gắn liền với nét văn hoá Việt, vừa đảm bảo được sự sáng tạo và yếu tố trình diễn không phải là điều dễ dàng.
Để làm được điều đó, người thiết kế phải thực sự hiểu rõ về nét văn hóa dân tộc thì mới tái hiện một cách sinh động, tinh tế thông qua ngôn ngữ của thời trang.
Từ “Bàn thờ” đến “Cầu tõm”, đều là những ý tưởng táo bạo, vui vẻ, nhưng thật ngô nghê khi mang lên sàn đấu nhan sắc quốc tế. Bởi, không chừng sẽ làm trò cười cho công chúng trong nước và quốc tế.
Tin nổi bật
Tin Video