Từ nay đến cuối năm 2024, có lo thiếu điện?
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong các năm tới, nhu cầu điện năng được dự báo tăng trưởng ở mức cao, trường hợp xảy ra các diễn biến cực đoan có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện, việc điều tiết nhu cầu phụ tải điện có thể sẽ được thực hiện tại một số thời điểm để đảm bảo an ninh cung ứng điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại Kỳ họp trước thuộc lĩnh vực Công Thương.
Báo cáo này nhấn mạnh hàng loạt vấn đề phát triển ngành điện, trong đó có điện tái tạo (gió, mặt trời), chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi và tình hình cung ứng điện từ nay đến hết năm 2024 và năm 2025.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, tổng điện năng toàn hệ thống điện quốc gia trong tháng 9/2024 đạt 24,8 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống, điện nhập khẩu hệ thống), cao hơn 5,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng của năm 2024, tổng điện năng toàn hệ thống điện quốc gia đạt 232,85 tỷ kWh, cao hơn 10,98% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 74,97% so với kế hoạch (310,6 tỷ kWh) được phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-BCT ngày 19 tháng 4 năm 2024 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024.
Trong các ngày 6-8/9, cơn bão số 3 (bão Yagi) và ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất nặng nề đối với nhiều đường dây và trạm biến áp phân phối ở nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc. Các đơn vị điện lực tại miền Bắc đã khẩn trương huy động tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị để nổ lực khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục hệ thống thông tin liên lạc, xử lý nhanh các hư hỏng lưới điện và sự cố phát sinh, nhanh chóng khôi phục cung cấp điện cho khách hàng bị ảnh hưởng do bão, lũ trong thời gian nhanh nhất có thể.
Cũng trong tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng bởi mưa lũ do bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 gây ra khiến lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả nước tăng cao, đa số lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục cao hơn so với trung bình nhiều năm, các hồ thủy điện lớn khu vực phía Bắc vận hành theo Quy trình liên hồ, đơn hồ và tuân thủ điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai các tỉnh thành.
Các nguồn thủy điện đã được huy động linh hoạt theo tình hình thủy văn thực tế. Các nguồn nhiệt điện được huy động hợp lý để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của phụ tải, đảm bảo chất lượng điện năng, ổn định hệ thống.
Các nguồn điện khí được huy động theo khả năng cấp khí và nhu cầu hệ thống hệ thống điện. Kết hợp với các giải pháp linh hoạt truyền tải điện năng liên miền, tình hình cung ứng điện từ đầu năm 2024 đến nay đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.
Về khả năng đáp ứng các tháng còn lại năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu theo báo cáo cập nhật của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo trong thời gian còn lại của năm 2024, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Tăng trưởng điện năng được dự báo không tăng cao như các tháng đầu năm, lũy kế cả năm 2024 ước tăng trưởng khoảng 10,11%. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo El Niño–Dao động phương Nam (ENSO) có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024.
Lưu lượng nước về các hồ thủy điện dự kiến sẽ cao hơn so với dự báo đầu năm, do đó, các nguồn thủy điện sẽ tiếp tục được tăng huy động. Các nguồn nhiệt điện có giá thành sản xuất điện cao sẽ được giảm huy động tương ứng, tuy nhiên, hệ thống điện vẫn cần duy trì lượng công suất nguồn nhiệt điện tối thiểu để đảm bảo các tiêu chuẩn vận hành lưới điện, cũng như khả dụng của hệ thống điện để đảm bảo dự phòng, đặc biệt là cho miền Bắc.
“Mức dự phòng công suất hệ thống điện quốc gia dự báo còn thấp đến hết tháng 10, trường hợp phụ tải tăng cao kết hợp các yếu tố bất lợi của hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm”, Bộ trưởng Bộ Công Thương lo ngại.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục thường xuyên theo dõi, giám sát việc cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu), tình hình vận hành các nguồn điện và đôn đốc, chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2024.
Nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện
Về khả năng đáp ứng các năm sau và các giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong các năm tới, nhu cầu điện năng được dự báo tăng trưởng ở mức cao, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp các nguồn điện bị chậm tiến độ so với Quy hoạch đã được duyệt, xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Khu vực miền Bắc và miền Nam, do mức dự phòng công suất, điện năng tại một số thời điểm ở mức thấp nên có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh. Trường hợp xảy ra các diễn biến cực đoan có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện, việc điều tiết nhu cầu phụ tải điện có thể sẽ được thực hiện tại một số thời điểm để đảm bảo an ninh cung ứng điện”, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Để chuẩn bị cho việc đảm bảo cung cấp điện năm 2025, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Mua bán điện và các đơn vị quản lý vận hành để thống nhất các thông số đầu vào phục vụ tính toán Phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025. Trên cơ sở báo cáo của NSMO, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và phê duyệt Phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025 để làm cơ sở cho công tác chỉ đạo điều hành đảm bảo cung cấp điện năm 2025.
Trước đó, ngày 19/9/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 7287/CĐ-BCT về việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định các nhà máy điện trong thời gian tới. Trong đó, đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp: Các nhà máy điện cần có kế hoạch bảo dưỡng, duy tu hợp lý, khắc phục kịp thời sự cố các tổ máy để có thể phát tối đa công suất; Đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào (điện, than, khí) để phục vụ cho nhu cầu phát điện; Tiếp tục đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình về nguồn và lưới điện truyền tải; Thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện và đẩy mạnh công tác truyền thông về tiết kiệm điện.
Tin nổi bật
Tin Video