Từ chối bệnh nhân, 5 cơ sở khám chữa bệnh bị xử lý thế nào?
Theo luật sư, 5 cơ sở y tế từ chối bệnh nhân đã vi phạm pháp luật. Tùy thuộc diễn biến vụ việc, những người liên quan có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tối đa 5 năm.
Ngày 13/8, ông N.D. (57 tuổi, trọ TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị nôn ói dữ dội nên được hàng xóm đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, ông bị 5 bệnh viện từ chối, không tiếp nhận điều trị bởi những lý do khác nhau. Người đàn ông sau đó được đưa về và tử vong tại nhà trọ.
Ngày 15/8, UBND TP. Dĩ An đã yêu cầu công an vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của các cơ sở y tế trong vụ việc này. Theo dõi sự việc, nhiều người thắc mắc với việc từ chối tiếp nhận bệnh nhân, 5 cơ sở y tế trên sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia Luật và liên danh) đánh giá các cơ quan có thẩm quyền cần điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn tới sự việc đáng tiếc nêu trên. Trong trường hợp các cơ sở y tế từ chối bệnh nhân do quá tải, họ vẫn có thể bị xử lý theo quy định.
Trích dẫn Điều 6 và Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, ông Tuấn cho biết việc từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh là hành vi bị cấm với tất cả cơ sở y tế, trừ trường hợp tiên lượng bệnh vượt quá khả năng, trái với phạm vi hoạt động chuyên môn hoặc việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.
Trong các trường hợp này, cơ sở y tế cần báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Ngoài ra, người hành nghề vẫn phải sơ cứu, cấp cứu, theo dõi sức khỏe người bệnh tới khi họ được chuyển tới cơ sở khác.
Theo thông tin cơ quan chức năng cung cấp, ông D. bị 4 cơ sở từ chối vì đang dồn lực chữa trị bệnh nhân Covid-19 và một cơ sở từ chối sau khi thăm khám vì không đủ khả năng chữa trị. Đây không phải các trường hợp được pháp luật cho phép. Do đó, cả 5 cơ sở này đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Dưới góc độ hành chính, trường hợp cơ sở y tế từ chối cứu chữa bệnh nhân nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e, khoản 7 và điểm c, khoản 8, Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo nghị định này, cơ sở y tế không kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người bệnh sẽ bị phạt tiền 30-40 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian 6-9 tháng.
Dưới góc độ hình sự, luật sư nhận định nếu đủ căn cứ xử lý, cơ quan chức năng có thể khởi tố những cán bộ, nhân viên liên quan tại các cơ sở y tế này về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Điều 132 Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp này, tùy thuộc tình tiết định khung, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù tối đa 5 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.