Tin tức

Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ): Hành trình 25 năm không mỏi

(VOVTV) - Với ý chí xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, khao khát cống hiến cho xã hội những nguồn nhân lực chất lượng, thầy và trò trường THPT Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã vượt qua nhiều gian nan để có được những thành công nhất định trong sự nghiệp trồng người.

Tác giả Đàm Trượng
24/07/2023 14:53

Trường THPT Tân Sơn nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, là một trong 62 huyện nghèo trong cả nước. Tân Sơn là vùng giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và tỉnh Sơn La, là vùng quần cư sinh hoạt của dân tộc Mường và dân tộc Dao từ xa xưa, với nhiều truyền thống sinh hoạt văn hóa đặc sắc: hội Đuống, hội Còn; hội Đu cùng điệu múa xòe hoa, thổi kèn lá, múa khèn….

Năm 1998, khi thành lập, trường THPT Tân Sơn (khi đó với tên cũ là Thạch Kiệt) chỉ có vỏn vẹn 4 lớp học và 186 học sinh. Xác định mục đích học tập là con đường ngắn nhất để thoát nghèo, xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng bản làng giàu đẹp, nhiều học sinh của trường đã vượt hàng chục km đường rừng để đi học.

Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ): Hành trình 25 nằm không mỏi - Ảnh 1.

Tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Tân Sơn

Các thế hệ học sinh của trường đã trưởng thành. Nhiều cựu học sinh của Trường THPT Tân Sơn nay đang công tác trong các ngành, các cơ quan của Đảng, chính quyền, các công ty, doanh nghiệp hoặc công tác trong lực lượng vũ trang hay nghiên cứu khoa học. Những thành tựu trồng người này đã tiếp bước các thế hệ giáo viên đi trước để cống hiến năng lực và trí tuệ của mình cho đất nước.

Trải qua nhiều khó khăn, gian khó, đến năm học 2022-2023, trường THPT Tân Sơn đã có 21 lớp, 870 học sinh với 56 cán bộ, giáo viên với 18 phòng học văn hóa, 2 phòng tin học và một số phòng chức năng khác. Các phòng ban được trang bị hệ thống vi tính, kết nối internet, phát wifi trong khu vực trường, xây dựng website riêng. Mục tiêu đề ra của trường là 100% giáo viên sử dụng thành thạo vi tính và có khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong công tác, giảng dạy. Bên cạnh việc duy trì tốt nề nếp, nhà trường còn chú trọng đổi mới phương pháp, kỹ năng công tác hướng tới mục tiêu đạt trường chuẩn quốc gia.

Trong nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của phụ huynh, sự tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, chất lượng giáo dục của đơn vị ngày càng được nâng cao: Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trên 90%, hàng năm có từ 8-12 học sinh giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh đỗ Đại học, Cao đẳng từ 25-30%.

Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ): Hành trình 25 nằm không mỏi - Ảnh 2.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng tự hào khi nhớ lại giai đoạn khó khăn của nhà trường

Cùng với việc thực hiện mục tiêu chính là giảng dạy, việc tạo môi trường dân chủ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường, tiếp xúc với học sinh và phụ huynh học sinh cũng được trường THPT Tân Sơn chú trọng. Việc công khai thu, chi tài chính được phụ huynh học sinh rất quan tâm, và nhà trường sẵn sàng mở rộng đối thoại với phụ huynh để lấy ý kiến đóng góp thông qua các hội nghị phụ huynh để có thể đảm bảo thực hiện dân chủ. Điều này đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong giáo viên, học sinh, tạo phong trào dạy tốt, học tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Tân Sơn cho biết: "Với đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, đủ về số lượng và đồng bộ giữa các bộ môn và tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, trường THPT Tân Sơn đã xây dựng kế hoạch mang tích chiến lược lâu dài và được tập thể cán bộ giáo viên quyết tâm thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng tiếp tục làm tốt sự nghiệp ‘trồng người’ trên miền sơn cước, và rất mong tiếp tục được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, lòng hảo tâm của các cơ quan doanh nghiệp, các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để xây dựng cơ sở vật chất, tiếp thêm cơ hội cho con em biến giấc mơ thoát nghèo thành hiện thực cũng như cống hiến cho xã hội".


Ý kiến của bạn