Trung Quốc yêu cầu công dân nhanh chóng rời khỏi Ukraine
(VOVTV) - Thông báo mới nhất đưa ra vào sáng sớm 7/3 của Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiev đã yêu cầu công dân nước này nhanh chóng rời khỏi Ukraine.
Thông báo được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine. Trong đó nêu rõ, “hiện tại, tình hình căng thẳng ở Ukraine vẫn đang không ngừng xấu đi và có chiều hướng nóng lên nhanh chóng”. Thông báo khuyến cáo công dân Trung Quốc đang còn ở quốc gia này “nhanh chóng rời khỏi Ukraine”.
Thông báo cũng cho biết, hiện hầu hết công dân nước này ở Ukraine đã được sơ tán. Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 6.000 người Trung Quốc ở Ukraine.
Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này đã bố trí ít nhất 4 chuyến bay đưa công dân rời khỏi Ukraine.
Chuyến đầu tiên đã về đến Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang ngày 5/3 và chuyến thứ hai cũng đã đến Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam vào buổi sáng cùng ngày. Chiều ngày 6/3, tiếp tục có thêm hai chuyến bay khác đưa công dân Trung Quốc từ Ukraine về đến Lan Châu, tỉnh Cam Túc và Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.
Trước đó, hôm 5/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã nhắc nhở công dân nước này nên đánh giá kỹ môi trường xung quanh, nếu tình hình an ninh cho phép, có thể di chuyển đến các nước láng giềng ở phía Tây Ukraine và đợi các chuyến bay thuê bao để về nước.
Trong khi đó, khi trả lời báo chí về phát biểu của ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng không phải Mỹ hay châu Âu mà Trung Quốc mới là trung gian hòa giải cho xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, người phát ngôn Phái đoàn Trung Quốc tại EU cho biết, Bắc Kinh khuyến khích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, cũng như các cuộc đối thoại bình đẳng giữa Mỹ, NATO, EU và Nga trong việc giải quyết các mâu thuẫn và vấn đề đã tích tụ từ nhiều năm nay.
Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực có thể giúp đạt được một giải pháp chính trị và làm dịu tình hình ở Ukraine, nhưng phản đối bất kỳ hành động “đổ thêm dầu vào lửa” nào không có lợi cho việc thúc đẩy một giải pháp ngoại giao.
Tin nổi bật
Tin Video