Trung Quốc xem xét thí điểm dỡ bỏ giới hạn sinh con
(VOVTV) - Trong một văn bản phúc đáp kiến nghị đưa ra tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 của Trung Quốc công bố ngày 18/2, cơ quan Y tế nước này cho biết, khu vực Đông Bắc Trung Quốc có thể xem xét thí điểm dỡ bỏ hạn chế sinh con do dân số ở khu vực này liên tục giảm.
Văn bản được đăng tải trên trang thông tin chính thức của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc. Trong đó nêu rõ, dân số khu vực Đông Bắc nước này đang giảm dù chính sách sinh đẻ ở vùng biên tại đây đã nới lỏng với việc cho phép sinh con thứ 3.
Nguyên nhân được cho là do lực lượng lao động trẻ di chuyển đến những khu vực khác có điều kiện kinh tế và đãi ngộ tốt hơn để tìm việc làm, trong khi người dân địa phương không mặn mà với việc sinh con.
Do vậy, Ủy ban này cho phép khu vực Đông Bắc Trung Quốc tìm tòi trên cơ sở thực tế địa phương, đi sâu nghiên cứu đánh giá các tác động của việc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế sinh đẻ đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, chiến lược tài nguyên môi trường và dịch vụ công, cũng như tính toán các biến động dân số, các văn bản cần xây dựng và rủi ro xã hội do các thay đổi chính sách gây ra, đề xuất phương án thí điểm thực hiện chính sách dỡ bỏ hạn chế sinh đẻ tại khu vực này.
Đây được coi là bước đi đầu tiên trong việc từng bước xóa bỏ chính sách sinh đẻ có kế hoạch được Trung Quốc thực hiện từ hơn 40 năm nay. Theo đó, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con từ năm 1979 và mới chỉ kết thúc vào năm 2015.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, chính sách 2 con vẫn không đạt được hiệu quả như mong đợi, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc liên tục giảm. Số liệu sơ bộ công bố năm 2020 cho thấy, số trẻ sơ sinh ở nước này tiếp tục giảm 15%, một số thành phố thậm chí lên tới hơn 30%. Đây là năm thứ 4 liên tiếp con số này giảm. Hệ quả của việc làm này là xã hội đang già hóa nhanh chóng, lực lượng lao động bị thu hẹp.
Có chuyên gia nhận định, nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách, dân số Trung Quốc hiện là khoảng 1,4 tỷ người có thể sẽ ít hơn cả dân số Mỹ hiện là hơn 330 triệu sau 100 năm tới.
Tin nổi bật
Tin Video