Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ chính sách ngoại giao chiến lang?
Vừa rồi Trung Quốc dường như có sự điều chỉnh nhỏ trong chính sách ngoại giao, nhưng về cơ bản họ vẫn theo đuổi đường lối ngoại giao chiến lang tức là dùng uy lực, sức mạnh với những cá nhân và lực lượng dám đối đầu với Trung Quốc.
Với sức mạnh gia tăng không ngừng và truyền thống ngoại giao ngạo nghễ trong nhiều thập kỷ, ít khả năng Trung Quốc sẽ thay đổi phong cách ngoại giao “chiến lang” – đây là đánh giá của các nhà phân tích và các cựu nhân viên ngoại giao quốc tế.
Thuật ngữ ngoại giao chiến lang xuất phát từ 2 bộ phim hành động của Trung Quốc theo phong cách Rambo mang tên “Chiến lang” và “Chiến lang II”, dùng để chỉ phong cách ngoại giao mới của Trung Quốc, trong đó giới chức nước này áp dụng cách tiếp cận thách thức các động thái chỉ trích Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, trong một cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 5/2021, sau nhiều năm khuyến khích “chiến lang”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng một hình ảnh quốc gia “đáng tin cậy, đáng yêu, và đáng tôn trọng” phù hợp với một đất nước “vừa cần cởi mở và tự tin nhưng cũng cần khiêm tốn, khiêm nhường”.
Tuy nhiên, phong cách ngoại giao của Trung Quốc có lẽ sẽ vẫn không có sự thay đổi lớn. Theo nhận định của giới phân tích, ngoại giao chiến lang phản ánh tính cách và các ưu tiên chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình và phù hợp với quan điểm cho rằng Trung Quốc đang đứng trước cơ hội lịch sử nhờ vào khả năng quản trị của họ cũng như sự suy yếu của Mỹ và tình trạng hỗn độn ở châu Âu.
Thái độ ngoại giao “thách thức” này cũng rất mạnh trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đã trở thành anh hùng sau khi công kích không thương tiếc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong hơn 15 phút trong hội đàm ở Alaska (Mỹ) vào tháng 3/2021. Giờ thì những “lời vàng ý ngọc” của ông Dương trong cuộc gặp đó được in lên các tấm áo phông, túi xách tay, và vỏ điện thoại di động của Trung Quốc.
Mặc dù phong cách ngoại giao uy hiếp này mới khoác lên mình cái tên mới, thực chất nguồn gốc của nó đã có từ khi xuất hiện một nước Trung Hoa mới (vào năm 1949).
Vào năm 1950, tạp chí Time đã mô tả bài phát biểu hô hào của nhà cách mạng kiêm Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Ngũ Tu Quyền, là “2 tiếng đồng hồ mắng nhiếc chua ngoa” và thể hiện “sự hận thù không thể xoa dịu được”.
Peter Martin – tác giả cuốn “China’s Civilian Army: The Making of Wolf Warrior Diplomacy” (tạm dịch là “Đội quân dân sự Trung Quốc: Quá trình hình thành Ngoại giao Chiến lang”), phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) như sau: “Ông ấy (tức Ngũ Tu Quyền) có một bài phát biểu khiến cho các chiến lang ngày nay chẳng khác nào thỏ đế”.
Khi quyền lực của ông Tập Cận Bình gia tăng, giới phân tích phỏng đoán rằng các trợ lý của ông Tập chỉ nói cho ông Tập những điều mà ông ấy muốn nghe.
Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew đối với 14 nước công nghiệp được công bố vào mùa thu năm 2020 cho thấy đa số các đối tượng được hỏi đều có sự đánh giá tiêu cực đối với Trung Quốc – mức xếp hạng thấp nhất từ trước tới nay.
Đặc điểm ngoại giao phương Tây và Trung Quốc là rất khác nhau. Ở phương Tây, các đại sứ được thưởng vì chủ động, vượt qua trở ngại, bình tĩnh nhưng kiên định xây dựng quan hệ nồng ấm cá nhân với các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, hệ thống của Trung Quốc có xu hướng ủng hộ việc bám riết vào kịch bản, và hoạt động theo cặp để giám sát lẫn nhau.
Động cơ để trở nên “chiến lang” hơn cũng rất rõ ràng. Ông Tập Cận Bình liên tục kêu gọi tinh thần “dám chiến đấu” để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Những ai tuân theo lời kêu gọi đó sẽ được khen thưởng.
Từ một vị trí khá mờ nhạt ở Pakistan, ông Triệu Lập Kiên bỗng chốc nổi bật với tư cách phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, sau khi ông Triệu có một tràng đả kích trên Twitter nhằm vào một nhà ngoại giao Mỹ.
Bonnie Glaser – giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức, phát biểu tại CSIS: “Điều này thực sự được ông Tập Cận Bình khuyến khích. Và có nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc cảm nhận rằng bây giờ phải làm vậy và sử dụng điều này để được thăng tiến và khen thưởng”.
Theo giới phân tích, đã từ lâu giới ngoại giao Trung Quốc chú tâm đến việc không được tỏ ra mềm yếu và bất trung ở trong nước, và cả trong lúc thúc đẩy lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài. Kết quả là, các phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đôi khi “chuyện bé xé ra to”, kéo theo những cơn bùng nổ tức giận.
Nghiên cứu của các nhà phân tích Yaoyao Dai và Luwei Rose Luqiu xuất bản trên trang blog Monkey Cage vào tháng 5/2021 chỉ ra rằng trung bình 10% phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là mang tính “chiến đấu” trước năm 2012, nhưng con số này tăng lên mức trên 25% vào các năm 2019 và 2020.
James Green – nghiên cứu viên tại Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết, ngoại giao Trung Quốc thường gắn lên mình gánh nặng “6.000 năm lịch sử” và trọng trách bảo vệ “cảm xúc của 1,3 tỷ người dân”.
Ngay đến nhà ngoại giao Thôi Thiên Khải kỳ cựu, khôn khéo của Trung Quốc cũng thấy cần phải bộc lộ sự tức giận một cách công khai.
Giới chức ngoại giao Mỹ cũng có lúc mất bình tĩnh nhưng những trường hợp như vậy thường là ngoại lệ chứ không phải là một phần trong sách giáo khoa về ngoại giao của nước này.
Jeff Moon – cựu tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô (Trung Quốc) cho biết: Trong khi đó, “ở Alaska người ta lại nghe thấy công khai những điều đáng lẽ chỉ được nghe trong các cuộc nói chuyện riêng tư – cùng một chủ đề, cùng một dạng tức giận, yêu cầu tôn trọng, và giọng bất an”.
Ông Moon nhận định, việc ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc được yêu thương hơn không phải là sự thay đổi lớn về định hướng mà chỉ là một chiến thuật mới nhằm hướng tới một chiến lược đã bám rễ chắc chắn tại Trung Quốc.