Tin tức

Trung Quốc và chính sách 'zero Covid-19 năng động'

(VOVTV) - Thời gian gần đây, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc. Tính đến 15/3, đã có khoảng 37 triệu người dân nước này phải sống trong các vùng phong tỏa. Nhiều thành phố lớn như Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở của các tập đoàn công nghệ như Huawei và Tencent hay Thượng Hải, nơi tập trung sàn chứng khoán và văn phòng các công ty quốc tế đã bị phong toả toàn bộ hoặc một phần, gây áp lực lớn lên phát triển kinh tế.

Tác giả Bích Thuận / VOV Bắc Kinh
21/03/2022 08:33

Mặc dù khẳng định chưa từ bỏ phương châm “zero Covid-19 năng động”, nhưng Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt điều chỉnh trong phương án điều trị mới, dấu hiệu khởi đầu cho những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch trong tương lai.

Đợt bùng phát Covid-19 mới tại Trung Quốc và những tác động

Đợt dịch lần này ở Trung Quốc đại lục được đánh giá là làn sóng dịch lớn nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát lần đầu ở Vũ Hán năm 2020. Chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, số ca bệnh có triệu chứng ở nước này đã vượt cả năm 2021. Từ ngày 1/3-18/3, hơn 29.000 trường hợp dương tính đã được báo cáo ở 28/31 tỉnh, thành của Trung Quốc, trong đó hơn 10.000 ca ở tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc nước này.

Số ca bệnh tăng theo cấp số nhân với ngày cao nhất lên tới hơn 5.000 trường hợp dương tính. Tuần qua, số ca mắc mới được xác nhận trong cả nước Trung Quốc đã vượt quá 12.000 trường hợp, tăng 642% so với tuần trước. Đặc biệt là ngày 19/3, nước này đã báo cáo 2 ca tử vong đầu tiên sau hơn 1 năm.

Dịch bùng phát mạnh khiến hàng chục thành phố bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần, trong đó có những thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến. Nhiều công ty phải tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, gây sức ép lên nền kinh tế. Một số đánh giá cho biết, khoảng một nửa GDP và dân số Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đợt dịch mới nhất này.

Do tác động của làn sóng dịch mới và cuộc chiến Nga - Ukraine, UBS - ngân hàng tư nhân hàng đầu thế giới của Thụy Sĩ mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ 5,4% xuống 5%, con số thấp hơn hẳn so với mục tiêu chính phủ nước này đề ra cách đây 2 tuần tại kỳ họp Quốc hội thường niên là khoảng 5,5%.

Trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về phòng chống dịch tổ chức hôm 17/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên cạnh việc khẳng định các biện pháp chính xác dựa trên cơ sở khoa học, cũng như việc tuân thủ chính sách “zero Covid-19 năng động”, cũng hối thúc nước này thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn, nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với phát triển kinh tế.

Nguoi dan xep hang xet nghiem axit nucleic o Tham Quyen Quang Dong Trung Quoc. Anh Tan Hoa xa.jpeg

Người dân xếp hàng xét nghiệm axit nucleic ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

“Zero Covid-19 năng động” là gì?

“Zero Covid-19 năng động” hiện được xác định là phương châm chung cho công tác phòng chống dịch ở Trung Quốc, có thể được hiểu là cách làm nhanh, linh hoạt tùy theo tình hình, đặc điểm, điều kiện từng nơi. Khái niệm này lần đầu tiên được nhắc đến hồi tháng 12/2021. Kể từ thời điểm đó đến nay, nước này hầu như rất hiếm khi đưa được số ca bệnh trong cộng đồng về 0.

Các chuyên gia Trung Quốc giải thích “Zero Covid-19 năng động” không phải là “Zero Covid”, tức nước này không hướng tới việc quét sạch hoàn toàn các ca nhiễm khỏi cộng đồng, bởi họ hiểu rằng dù làm tốt đến đâu, cũng không thể đảm bảo rằng dịch đã xử lý xong sẽ không còn tái bùng phát, mà chỉ có thể cố gắng để khi phát hiện dịch ở đâu thì nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây truyền ở đó trong thời gian ngắn nhất và không để lan tràn sang những nơi khác.

Phương châm này được Trung Quốc gọi là cách thức kết hợp các biện pháp phòng dịch một cách toàn diện khi xuất hiện các ca bệnh cộng đồng để nhanh chóng dập dịch. Trung Quốc gọi đây là sự tổng kết và chắt lọc kinh nghiệm phòng chống dịch suốt thời gian qua ở nước này và coi đó là “sự lựa chọn tốt nhất” và phương châm chung cho công tác phòng chống dịch.

Sở dĩ đến nay Trung Quốc vẫn kiên trì cách xử lý dịch theo kiểu này là vì theo các chuyên gia trong nước, là quốc gia có số dân đông nhất thế giới và hệ thống y tế ở nhiều nơi vẫn còn thiếu và yếu, việc vội vã mở cửa có thể sẽ là một thảm họa.

Theo ông Tăng Quang, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, trước khi nới lỏng dần các chính sách, Trung Quốc cần lấp đầy hai lỗ hổng lớn: một là mức độ bảo vệ của vaccine đang giảm dần theo thời gian sau khi tiêm chủng, hai là tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi Trung Quốc đang rất thấp.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 17/3, hơn 1,24 tỷ người, tương đương 87,85% dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng đầy đủ và gần 645 triệu người đã tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, khoảng 52 triệu trong tổng số 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc chưa hoàn thành tiêm chủng, hầu hết trong số họ trên 80 tuổi. Chỉ 50,7% người trên 80 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi và 19,7% tiêm mũi tăng cường.

Trong khi ông Trương Văn Hồng, chuyên gia nổi tiếng về phòng ngừa và điều trị Covid-19 của nước này khẳng định, Trung Quốc cần có 3 vũ khí để chống lại đại dịch, đó là tiêm vaccine đầy đủ, thuốc điều trị kháng virus hiệu quả và nguồn y tế dự phòng dồi dào.

Những điều chỉnh tiệm cận dần với thế giới

Mặc dù chưa từ bỏ chính sách “zero Covid-19 năng động”, nhưng gần đây nước này có những điều chỉnh được đánh giá là “rất chiến lược” trong phát hiện và điều trị các trường hợp dương tính theo hướng tiệm cần dần với thế giới.

Sự thay đổi này được thể hiện qua “Phương án chẩn đoán và điều trị Covid-19” phiên bản thứ 9 công bố ngày 15/3. So với các phiên bản trước, phương án mới này đã được điều chỉnh đáng kể về các tiêu chí chẩn đoán, tiếp nhận, dỡ bỏ cách ly và xuất viện, cũng như theo dõi sức khỏe sau khi xuất viện.

Theo đó, các trường hợp nhẹ không còn phải điều trị tại các bệnh viện chỉ định, mà chỉ thực hiện quản lý cách ly tập trung. Người nhiễm bệnh sau khi ra khỏi diện quản lý hoặc xuất viện, chỉ cần tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, thay vì  bị cách ly và theo dõi sức khỏe 14 ngày. Cách làm này không chỉ rút ngắn thời gian, mà còn cho thấy sự giảm cường độ giám sát đối với người dương tính.

Cùng với việc cho phép người dân tự xét nghiệm bằng kit test nhanh kháng nguyên, các biện pháp nới lỏng mới cùng các lệnh phong tỏa chỉ kéo dài 7 ngày thay vì 14 hay 21 ngày như trước kia, được đánh giá là nhằm giúp giảm gánh nặng cho các bệnh viện và nguồn lực y tế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với cuộc sống của người dân.

Ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải “giảm thiểu tác động” của đại dịch đối với nền kinh tế, chính quyền thành phố Thâm Quyến, nơi có các chuỗi cung ứng cho các công ty lớn sản xuất mọi thứ, từ iPhone cho đến máy giặt, đã nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa chỉ sau 5 ngày công bố lệnh này như một sự tìm tòi cho các biện pháp phòng chống dịch mới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã chính thức nhận lô thuốc Paxlovid điều trị Covid-19 của Pfizer đầu tiên gồm 21.200 hộp trong bối cảnh Omicron bùng phát trên toàn quốc. Đây là loại thuốc nước ngoài duy nhất được phê duyệt ở nước này tính đến thời điểm hiện tại. Năm công ty Trung Quốc cũng đã được bật đèn xanh để sản xuất thuốc này loại giá rẻ.

Các nhà phân tích cho rằng, tín hiệu từ cuộc họp Thường vụ Bộ Chính trị hôm 17/3 cho thấy, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến lược “zero Covid-19 năng động”, nhưng sẽ không còn tìm cách chống dịch bằng mọi giá, mà sẽ tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế, thậm chí dần chuyển trọng tâm chính sách sang giảm tác động đến phát triển kinh tế xã hội.

Có dự đoán nhận định, do trình độ phát triển chênh lệch lớn giữa các vùng miền, Trung Quốc có thể sẽ áp dụng các chính sách phòng chống dịch khác nhau cho từng nơi. Chẳng hạn, chính phủ có thể nới lỏng các biện pháp này ở các thành phố lớn, phát triển để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi tiếp tục thực hiện chính sách “zero Covid-19” ở những huyện thị nhỏ, kém phát triển hơn và thiếu thốn nguồn lực y tế.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn