Tin tức

Trung Quốc trong nỗ lực cân bằng giữa giám sát và phát triển AI

(VOVTV) - Trung Quốc mới đây đã ban hành các quy định để quản lý ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Với quy định này, Trung Quốc được cho là đi trước một bước so với các quốc gia khác trong việc thiết lập các “hàng rào” để kiểm soát AI tạo sinh – công nghệ nổi tiếng từ khi ChatGPT ra đời.

Tác giả Bích Thuận/VOV Bắc Kinh
18/07/2023 05:00

Quy định nêu rõ các biện pháp nhằm thúc đẩy công nghệ AI tạo sinh, đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn cơ bản đối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan công nghệ này.

Mối lo ngại thực tế

Ngày 13/7 vừa qua, Trung Quốc đã ban hành “Biện pháp tạm thời quản lý dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh”. AI tạo sinh có thể hiểu đơn giản là thuật toán trí tuệ nhân tạo có thể sáng tác và sinh ra các nội dung như hình ảnh, video, âm thanh, mã code, văn bản. Đây được đánh giá là bước tiến mới của trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc trong nỗ lực cân bằng giữa giám sát và phát triển AI - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VCG

Biện pháp tạm thời này sẽ chính thức có hiệu lực từ 15/8 và đây là những quy định quản lý AI đầu tiên của Trung Quốc. Trước khi ban hành, bản dự thảo các quy định này đã được công bố từ 11/4 để lấy ý kiến công chúng trong vòng 1 tháng. Sau đó không lâu, trong cuộc họp của Bộ Chính trị hồi cuối tháng 4, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu nước này quan tâm đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo thông dụng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa rủi ro. Điều này cho thấy lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã nhận thấy các cơ hội và nguy cơ mà AI mang lại, để đi đến quyết định áp dụng chiến lược kép vừa phát triển vừa giám sát.

Khoảng 1 tháng sau đó, vào cuối tháng 5, truyền thông nước này đã thông báo hàng loạt các vụ lừa đảo lợi dụng trí tuệ nhân tạo xảy ra tại một số địa phương, trong đó vụ nghiêm trọng nhất có số tiền bị lừa lên tới 4,3 triệu nhân dân tệ (611.000 USD).

Không chỉ vậy, trong tháng 5 và đầu tháng 7, hai địa phương của Trung Quốc là tỉnh Cam Túc, miền Tây Bắc và tỉnh Chiết Giang, miền Đông nước này, lần lượt công bố phá được các vụ án đầu tiên sử dụng ChatGPT tạo video giả. Đây là thời điểm công cụ trò chuyện (chatbot) trí tuệ nhân tạo này đang gây sốt trên toàn cầu và các công ty công nghệ Trung Quốc liên tiếp tung ra các dịch vụ tương tự.

Đáng lo ngại hơn khi tuần báo “Liêu Vọng”, một ấn phẩm của hãng thông tấn Tân Hoa, trong một bài viết hồi đầu tháng 7 cho biết, cảnh sát một địa phương miền Bắc Trung Quốc đã công bố một vụ lừa đảo sử dụng AI thay đổi khuôn mặt liên quan đến chính trị, tức giả dạng một quan chức lãnh đạo để lừa tiền doanh nghiệp.

Cảnh sát thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam từng tiết lộ trên trang web chính thức cho biết, công nghệ AI đã thay đổi hành vi lừa đảo của tội phạm ở nước này và các vụ lừa đảo mới này có tỷ lệ thành công lên đến gần 100%.

Một số nội dung cơ bản của văn bản quản lý AI

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã ban hành văn bản quản lý AI đầu tiên. Quy định nêu rõ các biện pháp nhằm thúc đẩy công nghệ AI tạo sinh, đồng thời đặt ra các tiêu chuẩn cơ bản đối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan công nghệ này. Cụ thể, Trung Quốc sẽ khuyến khích các ứng dụng sáng tạo của công nghệ AI tạo sinh trong các ngành và lĩnh vực khác nhau, đồng thời sẽ hỗ trợ các tổ chức công nghiệp, doanh nghiệp, viện giáo dục và nghiên cứu cũng như các tổ chức liên quan khác thực hiện hợp tác trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý sẽ có trách nhiệm thực hiện phân loại và giám sát phân loại các dịch vụ AI tạo sinh; nêu rõ quy định, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện nghĩa vụ bảo mật thông tin trực tuyến, bao gồm bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng và thực hiện các biện pháp chặn người dùng chưa đủ tuổi tiếp cận những dịch vụ như vậy. Dù vậy, quy định tạm thời không áp dụng với những hãng đang nghiên cứu AI tạo sinh nhưng chưa có ý định cung cấp cho công chúng.

Cụ thể hơn, Trung Quốc yêu cầu các văn bản, hình ảnh, video và những nội dung khác do AI khởi tạo để phục vụ người dân nước này phải phản ánh được các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, không được mang các nội dung kích động lật đổ chính quyền và chế độ, hay có các biểu hiện phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải xóa bỏ những nội dung bất hợp pháp và ngăn chặn việc phát tán. Người vi phạm sẽ bị xử phạt, thậm chí có thể bị truy cứu hình sự.

Đánh giá ban đầu

Trước các nguy cơ như trên, việc chính phủ Trung Quốc cho ra đời quy định quản lý đầu tiên trong lĩnh vực AI nhìn chung được đánh giá là cần thiết. Giới chuyên gia và doanh nghiệp nước này cho rằng, cách làm này giúp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực AI, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích cộng đồng, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Ping An Securities – một công ty chứng khoán của Trung Quốc – cho rằng, biện pháp vừa ban hành đã kết hợp được giữa phát triển lành mạnh và ngăn ngừa rủi ro của AI tạo sinh, đồng thời đưa ra những hướng dẫn quan trọng và đảm bảo mạnh mẽ giúp ngành AIGC (tạo nội dung nhờ trí tuệ nhân tạo) của Trung Quốc phát triển và hướng thiện. Việc thực hiện văn bản này phản ánh sự bổ sung lẫn nhau giữa kiểm soát và phát triển công nghệ mới. Dưới sự cộng hưởng của chính sách và công nghệ, ngành AIGC của Trung Quốc sẽ có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai.

Trong khi đó, các chuyên gia nước này cho rằng, trước đà phát triển mạnh mẽ của AI tạo sinh, động thái ban hành các quy định quản lý ngành này là cách để Trung Quốc vạch ra ranh giới hay “lằn ranh đỏ” và định hướng cho sự phát triển của công nghệ AI tạo sinh về mặt pháp lý, đồng thời đặt nền móng cho nước này tham gia vào quản lý ngành AI toàn cầu.

Nỗ lực cân bằng giữa việc giám sát và phát triển trí tuệ nhân tạo

So với bản dự thảo đưa ra vào tháng 4/2023, văn bản mới có tên “Biện pháp tạm thời” đã nới lỏng một số quy định ban hành trước đó. Theo ông Lưu Hưng Lượng (Liu Xingliang), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Internet của Trung tâm dữ liệu Internet Trung Quốc (DCCI), so với dự thảo lấy ý kiến công chúng chú trọng hơn việc giám sát, văn bản cuối cùng này thiên về khuyến khích nhiều hơn, cũng như tạo ra nhiều không gian phát triển hơn.

Nội dung văn bản cũng nêu rõ, cần thực hiện các biện pháp hiệu quả khuyến khích sự phát triển sáng tạo của AI tạo sinh, đồng thời tiến hành việc giám sát một cách bao dung thận trọng và phân loại phân cấp. Điều này cho thấy Bắc Kinh đã nhìn thấy cơ hội của ngành công nghiệp non trẻ này như một trong những lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế và có thái độ khá thận trọng trong việc giám sát ngành trí tuệ nhân tạo.

Theo số liệu mới nhất do Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Từ Hiểu Lan (Xu Xiaolan) công bố hôm 6/7 tại Hội nghị trí tuệ nhân tạo thế giới 2023 tổ chức tại Thượng Hải, ngành công nghiệp AI của nước này đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ, các lĩnh vực AI cốt lõi đã đạt mức 500 tỷ nhân dân tệ (69,4 tỷ USD) với hơn 4.300 doanh nghiệp AI.

Chính phủ Trung Quốc ngay từ năm 2017 đã xác định AI là một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng và ban hành “Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”, trong đó đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về AI và trở thành trung tâm sáng tạo trí tuệ nhân tạo chính của thế giới vào năm 2030.

Hiện một số tập đoàn lớn của Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Huawei, JD.com đều có các dịch vụ AI tạo sinh đang trong giai đoạn thử nghiệm với người dùng doanh nghiệp. Với việc thiết lập các “hàng rào bảo vệ” và cách thức chính phủ khai thác AI, Trung Quốc được cho là có bước khởi đầu sớm và thuận lợi để hiện thực hóa tham vọng này.

Là quốc gia đã bỏ lỡ 2 cuộc cách mạng công nghiệp, gồm cuộc cách mạng thứ nhất bắt đầu ở Anh vào giữa thế kỷ 18 và cuộc cách mạng thứ hai bắt nguồn ở Đức, Mỹ... vào cuối thế kỷ 19, hơn ai hết Trung Quốc không muốn bị tụt hậu trong cuộc đua công nghệ cao ngày hôm nay, đặc biệt là trong ngành trí tuệ nhân tạo – lĩnh vực được các chuyên gia nhận định là sẽ mang lại cho loài người một “thay đổi lớn", lớn hơn bất cứ điều gì thế giới từng chứng kiến, kể cả điện và Internet.

Ý kiến của bạn