Tin tức

Trung Quốc trở thành nước thứ 3 trên thế giới phát hiện dữ liệu trường trọng lực toàn cầu

(VOVTV) - Theo một đại biểu Quốc hội và cũng là Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, nước này đã lần đầu tiên phát hiện dữ liệu trường trọng lực toàn cầu, trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới có thể tự thăm dò trường trọng lực toàn cầu sau Mỹ và Đức.

Tác giả Bích Thuận / VOV Bắc Kinh
10/03/2022 11:12

Phát biểu bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, ông La Tuấn (Luo Jun), nhà khoa học chính của chương trình phát hiện sóng hấp dẫn mang tên Thiên Cầm (Tianqin) của Trung Quốc, cho biết Thiên Cầm-1 - vệ tinh phát hiện sóng hấp dẫn trong không gian đầu tiên của nước này - được phóng vào ngày 20/12/2019, mới đây đã thu thập được dữ liệu trường trọng lực toàn cầu.

Ông khẳng định, đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng vệ tinh sản xuất trong nước thu được dữ liệu này, trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới có khả năng phát hiện trường trọng lực toàn cầu sau Mỹ và Đức.

Trung Quốc trở thành nước thứ 3 trên thế giới phát hiện dữ liệu trường trọng lực toàn cầu - Ảnh 2.

Ông La Tuấn, Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu trường trọng lực trái đất có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với nền kinh tế quốc dân và dân sinh, có thể phục vụ cho các lĩnh vực trắc địa, địa vật lý, thăm dò dầu khí, quốc phòng an ninh, đồng thời giúp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, cũng như những thách thức chung khác mà nhân loại phải đối mặt.

Ông La Tuấn nhấn mạnh: “Ý nghĩa của nó là rất lớn. Điều này có nghĩa là chúng tôi đã làm chủ được công nghệ cốt lõi then chốt này. Qua đo trọng lực, chúng tôi biết được sự phân bố của nước ngầm. Chúng tôi cũng có thể thăm dò được sự phân bố của các khoáng chất khác nhau trong lòng đất thông qua trọng lực. Do vậy, nó có ý nghĩa to lớn đối với công tác thăm dò tài nguyên, dự trữ năng lượng và tài nguyên nước. Trên thực tế, nó không thể thiếu đối với nền kinh tế quốc dân.”

Tuy nhiên, nhà khoa học này cũng thừa nhận, độ chính xác của phép đo trường trọng lực lần này “không cao”, cho rằng kết quả này có ý nghĩa hơn ở chỗ nó đã đặt nền tảng kỹ thuật cho chương trình vệ tinh trọng lực tiếp theo của Trung Quốc.

Được biết, “chương trình Thiên Cầm” là một dự án phát hiện sóng hấp dẫn không gian quốc tế do Trung Quốc khởi xướng, được chính thức đề xuất vào tháng 3/2014. Theo kế hoạch, đến khoảng năm 2035, ba vệ tinh sẽ được triển khai trên quỹ đạo cách trái đất khoảng 100.000 km để tạo thành một chòm sao tam giác đều với chiều dài một cạnh khoảng 170.000 km và một đài quan sát phát hiện sóng hấp dẫn trong không gian.

Ý kiến của bạn