Trung Quốc: Thúc đẩy hợp tác kinh tế số với ASEAN qua những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội
(VOVTV) - “Online Influencers” – những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, là một lực lượng mới nổi và đang đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy thương mại điện tử và phát triển kinh tế số ở Trung Quốc. Trước những cơ hội do Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đem lại, Trung Quốc kỳ vọng thông qua ảnh hưởng của những “Influencers” này, đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong kinh tế số - lĩnh vực hợp tác giàu tiềm năng giữa hai bên.
Ý tưởng phát huy vai trò của những "Online Influencers" vừa được đưa ra mới đây tại Hội nghị những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN tổ chức trung tuần tháng 1/2022 tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, ở ven biển miền Đông Nam Trung Quốc – địa phương có mối quan hệ mật thiết với các nước ASEAN.
5 "Influencers" trong các lĩnh vực ẩm thực, văn học, điện ảnh, du lịch... của Trung Quốc và những người có sức ảnh hưởng khác đến từ các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã chia sẻ những câu chuyện về truyền cảm hứng, giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển thương mại xuyên biên giới.
Trong số họ, có những người sở hữu hơn chục triệu người theo dõi trên Youtube, như Ms Yeah – cô gái ở Thành Đô, Tứ Xuyên thường xuyên chia sẻ các clip làm món ăn ngay tại văn phòng làm việc.
Trong số 5 "Influencers" của Trung Quốc có mặt tại hội nghị, "fan" hâm mộ Việt Nam được nhắc tới trong câu chuyện của 3 người. Đó có thể là nhu cầu tư vấn du học tại Trung Quốc, lời tâm sự của một cô gái người Hoa ở Việt Nam với một nhà văn trên mạng xã hội Weibo, hay đơn giản chỉ là sự thích thú đối với những clip ẩm thực đặc biệt của Ms Yeah.
Trong khi đó, những người có sức ảnh hưởng của ASEAN có thể là người mẫu, ca sĩ, diễn viên hay một livestreamer – người phát trực tiếp trên mạng xã hội - có lượng theo dõi lớn ở nước sở tại...
Đại diện của Việt Nam là Hoàng Mai, cô gái từng có thời gian du học tại Đại học Bắc Kinh, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Một trong những mảng việc chính của cô là chuyển ngữ những bài hát nhạc trẻ của Việt Nam sang tiếng Trung Quốc và đưa lên mạng xã hội giới thiệu ở cả hai quốc gia. Cô được người Trung Quốc biết đến nhiều qua bài hát "Vũ Hán ơi, cố lên nhé!" đăng hồi đầu năm 2020, truyền tải những thông điệp ý nghĩa chia sẻ với những khó khăn của người dân nước này trong đại dịch Covid-19.
Ở Trung Quốc, các "Influencers" ngày càng nổi lên là một lực lượng quan trọng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thương mại điện tử, nhất là sau khi đại dịch bùng phát. Những cái tên như Vy Á, "nữ hoàng livestream" hay "vua bán hàng" Lý Giai Kỳ đã quá quen thuộc với người dân Trung Quốc và cả ở một số nước Đông Nam Á.
Mặc dù Trung Quốc đang mạnh tay chấn chỉnh nền kinh tế liên quan đến người nổi tiếng trên Internet, cụ thể là lĩnh vực phát trực tiếp, với việc xử phạt Vy Á 210 triệu USD vì trốn thuế, nhưng không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc của loại hình kinh tế này những năm gần đây, đặc biệt là trong đại dịch. Đây được coi là một trong những động lực thúc đẩy thương mại điện tử ở nước này.
Tỉnh Phúc Kiến, nơi diễn ra Hội nghị "Online Influencers", là địa phương có nhiều hoạt động hợp tác với ASEAN ở Trung Quốc. Với 41 triệu dân, GDP bình quân đầu người đứng thứ 4 tại nước này, kinh tế số chiếm tới 45% toàn bộ nền kinh tế của Phúc Kiến.
Bà Quách Ninh Ninh, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh này cho biết, đến nay, ASEAN đã vượt qua châu Âu và Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Phúc Kiến, nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 và là điểm đến đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 2 của các doanh nghiệp Phúc Kiến.
Bên cạnh đó, theo thông tin tiết lộ tại hội nghị, trong số khoảng 16 triệu Hoa kiều gốc Phúc Kiến sinh sống ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có tới khoảng 50% tập trung ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Trần Đức Hải, Tổng Thư ký Trung tâm Trung Quốc – ASEAN, người từng làm Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc Trung Quốc và ASEAN triển khai các hoạt động giao lưu thông qua người nổi tiếng trên Internet "là một việc làm sáng tạo", phù hợp với xu thế chung của thời đại và nhu cầu của người dân hai bên.
Ông mong muốn hai bên tích cực hưởng ứng xu thế phát triển xã hội hóa, cá nhân hóa và video hóa các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là truyền thông di động, phát huy năng lượng tích cực của những người nổi tiếng trên Internet để thúc đẩy hợp tác chống dịch và phục hồi kinh tế, xã hội giữa Trung Quốc và ASEAN.
Sách trắng về phát triển kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc do Viện nghiên cứu Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc công bố hồi tháng 4/2021, đánh giá thị trường kỹ thuật số ở Trung Quốc và ASEAN có tiềm năng lớn do số người sử dụng mạng Internet ở hai thị trường này đạt gần 1,49 tỷ người trong năm 2020.
Các lĩnh vực hợp tác chính trong lĩnh vực kinh tế số giữa Trung Quốc và ASEAN trong những năm gần đây bao gồm thành phố thông minh, thương mại điện tử và quản trị không gian mạng.
Theo Sách trắng, tổng giá trị nền kinh tế số của Trung Quốc và ASEAN có thể đạt tới 9.580 tỷ USD vào năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.