Trung Quốc tăng cường vũ khí hóa sức mạnh thương mại
Trung Quốc đang tăng cường khả đa dạng hóa nguồn cung với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên thiết yếu, một động thái có thể tăng cường khả năng của Bắc Kinh trong lấy thương mại làm vũ khí để đối đầu với các đối thủ địa chính trị - đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo do tổ chức tư vấn Verisk Maplecroft công bố ngày 18/3.
Theo Verisk Maplecroft, nếu phải chỉ ra một điểm yếu của Trung Quốc, đó chính là sự phụ thuộc của nước này vào nguồn tài nguyên thiên nhiên nước ngoài. Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhiều loại hàng hóa như dầu mỏ, quặng kim loại… và phần lớn đều phải nhập khẩu những mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu trong nước. Một cách để Bắc Kinh đa dạng hóa nguồn nhập khẩu chính là mua cổ phần trong các công ty nước ngoài.
Đơn cử, Verisk Maplecroft cho biết số lượng các công ty do Trung Quốc nắm quyền sở hữu tại các công ty chuyên về khai thác vàng, kim loại tại châu Đại Dương (Australia, Papua New Guinea, New Zealand, Fiji và nhiều quốc đảo khác) đã tăng từ con số không năm 2000 lên 59 vào năm ngoái. Đầu tư của Trung Quốc chiếm 22,6% tổng cổ phần do nước ngoài sở hữu tại những công ty này.
“Trung Quốc đang tìm cách tăng cường khả năng kiểm soát chuỗi cung toàn cầu thông qua đầu tư, lập quan hệ đối tác, liên doanh với nhiều tập đoàn quốc tế. Bắc Kinh ngay từ những năm 1990 đã hỗ trợ các công ty nhà nước trong định hướng vươn ra toàn cầu và thiết lập kiểm soát nguồn tài nguyên nền tảng ở nước ngoài”, báo cáo của Verisk Maplecroft nhìn nhận.
Bắc Kinh đang tận dụng sức mạnh thị trường nội địa, coi đây là nguồn lực ngoại giao để tạo ưu thế trước các đối tác. Thông qua bảo đảm nguồn cung được đa dạng hóa, Trung Quốc sẽ ở thế mạnh khi thực hiện vũ khí hóa yếu tố thương mại trước các đối thủ địa chính trị, đồng thời khiến đối tác mới và cũ ngày càng bị lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Theo Verisk Maplecroft, Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng thương mại để tạo ưu thế địa chính trị. Đơn cử là trường hợp Trung Quốc cấm nhập khẩu than đá từ Australia. Căng thẳng trong quan hệ hai nước gia tăng sau khi chính quyền Australia lên tiếng kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19 bùng phát đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Đáp trả, Bắc Kinh tung một loạt các đòn trừng phạt thương mại nhằm vào Australia. Than đá chỉ là một trong nhiều mặt hàng bị cản đường vào Trung Quốc, thông qua các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh, từ áp thuế, cho tới hạn chế và thậm chí là cấm nhập khẩu.
Tin nổi bật
Tin Video