Tin tức

Trung Quốc siết tiền mã hóa

Tuần này, giới chức Trung Quốc đã 2 lần mạnh tay gây sức ép lên thị trường tiền mã hóa nhằm tránh những rủi ro không đáng có.

21/05/2021 09:00

Với nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon, khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) gần đây đã triển khai chiến dịch ngăn chặn các hoạt động khai thác tiền mã hoá. Ngoài ra, giới chức khu vực cũng ra mắt nền tảng công nghệ hỗ trợ người dân báo cáo các dự án tiền mã hóa bất hợp pháp.

Trước đó, cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc ban lệnh cấm các tổ chức tài chính, bao gồm cả ngân hàng và kênh thanh toán trực tuyến, cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền mã hóa.

Đồng thời, cơ quan này cũng cảnh báo những rủi ro khi đầu tư tiền mã hoá và kêu gọi người dân cảnh giác với những chiêu trò gian lận. Theo Tân Hoa Xã, ngày 17/5, cảnh sát địa phương Trung Quốc đã triệt phá đường dây lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa, giá trị lên đến 200 triệu NDT (31,1 triệu USD) với khoảng 2.000 người tham gia.

Trung Quốc siết tiền mã hóa - Ảnh 1.

Ngày 18/5, Trung Quốc ban lệnh cấm các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa tại các tổ chức tài chính, bao gồm cả ngân hàng và kênh thanh toán trực tuyến. Ảnh: AP

Theo Nikkei Asia, từ lâu Trung Quốc đã có định kiến về tiền mã hóa khi làn sóng đầu cơ dâng cao. Năm 2014, Trung Quốc ban hành lệnh cấm các hoạt động tài chính, thanh toán liên quan đến Bitcoin. Tháng 2/2018, một tờ báo trực thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết sẽ chặn quyền truy cập vào các sàn giao dịch tiền mã hóa trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại khi hoạt động khai thác tiền mã hóa gây tác động đến tiêu thụ điện năng và môi trường. Theo Statista, năm 2019, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ điện năng ở mức cao nhất trên thế giới, theo sau là Mỹ và Ấn Độ.

Dữ liệu của CAF cho thấy Trung Quốc chiếm 65% tổng tỷ lệ khai thác Bitcoin trên toàn cầu. Khu vực Nội Mông, với công suất phát điện khổng lồ ở Trung Quốc, chiếm 8,1% tỷ lệ khai thác Bitcoin trên thế giới.

Vào năm 2024, các chuyên gia Trung Quốc, Mỹ và Anh ước tính hoạt động đào Bitcoin tại quốc gia 1,4 tỷ dân sẽ tiêu tốn nguồn năng lượng vượt tổng mức tiêu thụ của các nước khác. Ngoài ra, nếu lượng khai thác Bitcoin như hiện tại vẫn tiếp diễn, nước này sẽ dẫn đầu lượng phát thải khí carbon trong 3 năm tới.

Từ tháng 2, giới chức Nội Mông tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các dự án khai thác tiền mã hóa trong khu vực vào cuối tháng 4 nhằm đạt mục tiêu cắt giảm 3% lượng điện tiêu thụ trên một đơn vị GDP trong năm nay. Động thái khuyến khích người dân báo cáo các hoạt động liên quan đến tiền mã hoá ra đời dựa trên tuyên bố này.

Có thể thấy, sự bùng nổ của thị trường tiền mã hoá dấy lên e ngại về mức tiêu thụ năng lượng lớn mà mô hình đầu tư này đòi hỏi. Sau nhiều lần ủng hộ Bitcoin, Elon Musk - CEO Tesla - đã quay lưng với đồng mã hoá phổ biến nhất thế giới bởi những tác động đến môi trường.

Sự thay đổi thái độ đột ngột của vị tỷ phú cùng tin tức về cuộc đàn áp từ các cơ quan tài chính Trung Quốc lên thị trường tiền mã hóa đã khiến giá Bitcoin lao dốc. Có thời điểm, giá Bitcoin giảm xuống 30.000 USD/đồng, trong khi trước đó, giá Bitcoin từng đạt đỉnh ở mốc 64.000 USD/đồng.

Ý kiến của bạn