Tin tức

Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò Mặt Trời đầu tiên

(VOVTV) - Tối 14/10, Trung Quốc vừa tuyên bố phóng thành công vệ tinh thăm dò Mặt Trời đầu tiên lên quỹ đạo, đánh dấu việc nước này chính thức bước vào kỷ nguyên thám hiểm Mặt Trời.

Tác giả Bích Thuận / VOV Bắc Kinh
15/10/2021 11:42

Vệ tinh có tên "Hy Hòa" đã được phóng lên vũ trụ cùng với 10 vệ tinh khác trong một lần phóng được thực hiện bởi tên lửa Trường Chinh-2D từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc vào lúc 18h51 ngày 14/10 (giờ địa phương).

"Hy Hòa" có trọng lượng 508kg, tuổi thọ thiết kế là 3 năm với tên gọi đầy đủ là vệ tinh thử nghiệm khoa học công nghệ siêu nền tảng kép và phát hiện quang phổ H-alpha. Vệ tinh này sẽ hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời ở độ cao 517km và mang theo kính viễn vọng Mặt Trời đặt ngoài không gian.

Do được trang bị một máy quang phổ kế hình ảnh, đây sẽ là thiết bị đầu tiên trên thế giới thực hiện các quan sát hình ảnh quang phổ về dải H-alpha của Mặt Trời.

Trung Quốc phóng vệ tinh thăm dò Mặt Trời đầu tiên - Ảnh 1.

Trung Quốc phóng thành công vệ tinh thăm dò Mặt Trời đầu tiên. Ảnh: Chinanews

Dải H-alpha là một trong những vạch quang phổ tốt nhất để nghiên cứu hoạt động của Mặt Trời. Bằng cách phân tích dữ liệu của các vạch này, người ta có thể thu thập được những thay đổi của các đại lượng vật lý, như nhiệt độ và vận tốc khí quyển trong một vụ phun trào Mặt Trời, đồng thời nghiên cứu quá trình động học và cơ chế vật lý của các vụ phun trào này.

Hiện Trung Quốc đã xây dựng 2 kế hoạch thăm dò Mặt Trời, là "Hy Hòa" (Xihe) và "Khoa Phụ" (Kwafu). Trong đó, "Hy Hòa" hiện thực hóa hành trình khám phá Mặt Trời của Trung Quốc, trong khi chương trình "Khoa Phụ" nghiên cứu, phát triển và phóng vệ tinh đài quan sát Mặt Trời trên không gian tiên tiến (Advanced Space-based Solar Observatory, gọi tắt là ASO-S), nhằm tiến hành quan sát khoa học về các đặc điểm vật lý của Mặt Trời. Vệ tinh này dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2022.)

Ông Triệu Kiên, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Quan sát Trái Đất của Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết, "Hy Hòa" đã tạo ra bước đột phá trong khám phá Mặt Trời của Trung Quốc, đánh dấu việc nước này chính thức bước vào kỷ nguyên "thám hiểm Mặt Trời". Kỷ nguyên này sẽ mở ra triển vọng mới về hợp tác giao lưu quốc tế trong lĩnh vực thăm dò Mặt Trời của Trung Quốc, đồng thời nâng cao đáng kể vị thế quốc tế của quốc gia này trong lĩnh vực vật lý Mặt Trời.

Ông Triệu Kiên nói: "Hoạt động của Mặt Trời là theo chu kỳ, mỗi chu kỳ khoảng 11 năm. Khoảng thời gian từ 2021 - 2022 là thời điểm bắt đầu của chu kỳ hoạt động Mặt Trời thứ 25 kể từ khi con người có ghi chép. Một làn sóng khám phá Mặt Trời mới sẽ hình thành. Là một nước lớn về hàng không vũ trụ, Trung Quốc rất cần thực hiện các hoạt động thám hiểm mang ý nghĩa sáng tạo trong lĩnh vực thăm dò Mặt Trời. Chúng ta không thể vắng mặt trong lĩnh vực này".

Được biết, Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới đài quan sát Mặt Trời dưới mặt đất nhưng vẫn thiếu các công cụ quan sát trên không gian. Vệ tinh mới đầu tiên chuyên quan sát Mặt Trời này được kỳ vọng sẽ cung cấp cho các nhà khoa học một nền tảng trên quỹ đạo để củng cố nghiên cứu về Mặt Trời và cải tiến các công nghệ liên quan của Trung Quốc.

Mỹ và châu Âu cũng đã phóng hàng chục tàu vũ trụ chuyên dụng để quan sát Mặt Trời, như tàu thăm dò Mặt Trời Parker, STEREO hay Solar Orbiter.

Ý kiến của bạn