Trung Quốc phê duyệt giai đoạn 4 chương trình thám hiểm Mặt Trăng
(VOVTV) - Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) ngày 10/9 cho biết, sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng giai đoạn 4 của nước này đã được phê duyệt, trong đó bao gồm việc phóng tàu thăm dò Hằng Nga - 6, 7 và 8. Ba nhiệm vụ phóng này sẽ được thực hiện trong vòng 10 năm.
Ông Lưu Kế Trung, Giám đốc Trung tâm Chương trình Không gian và Thăm dò Mặt trăng Trung Quốc, cho biết tàu thăm dò Hằng Nga - 6 là bản sao lưu của Hằng Nga - 5, có chức năng lấy mẫu và quay trở lại, đồng thời sẽ thực hiện nhiệm vụ tại vùng tối của Mặt Trăng.
Ông cũng tiết lộ, mô-đun của Hằng Nga - 6 về cơ bản đã hoàn thành, có sự kết hợp với chuyến đi đầu tiên đến vùng tối của Hằng Nga - 4. Trong khi đó, tàu Hằng Nga - 7 hiện đang được nghiên cứu chế tạo. Sau đó, sứ mệnh sẽ khám phá khu vực cực Nam của Mặt Trăng và xây dựng cấu trúc cơ bản của Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS).
Ông cho biết: “Mục đích các nhiệm vụ của chúng tôi là đặt nền móng cho một Trạm nghiên cứu Mặt Trăng. Vì vậy, có rất nhiều công nghệ cần được giải quyết, đồng thời cũng cần khảo sát năng lượng của Mặt Trăng. Thách thức là rất lớn, nhưng với cơ sở trước đó và một đội ngũ xuất sắc, tôi tin rằng chúng tôi có thể thành công”.
Khi được hỏi tại sao Trung Quốc chọn khu vực cực Nam để xây dựng ILRS, ông Ngô Vĩ Nhân, nhà thiết kế chính Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, từng cho biết mặt luôn hướng về Trái Đất của Mặt Trăng nhiệt độ cao tới hơn 100 độ C dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Mặt còn lại luôn quay lưng về phía Trái Đất, khi không có ánh sáng mặt trời sẽ có nhiệt độ thấp gần âm 200 độ C. Môi trường như vậy không phù hợp cho việc lưu trú của con người trong thời gian dài.
Trong khi đó, vùng cực Nam của Mặt Trăng có thể có ngày địa cực và đêm địa cực, trong ngày địa cực có thể có hơn 180 ngày có ánh sáng liên tục. Đặt trạm nghiên cứu khoa học tại đây có thể có lợi hơn về lâu dài. Ngoài ra, vùng cực Nam của Mặt Trăng có các hố sâu, được tạo ra khi Mặt Trăng hình thành và có thể có nước. Đây là yếu tố tích cực khác cho hoạt động lâu dài của ILRS cũng như hoạt động thăm dò của con người trong thời gian ngắn.
Cũng theo CNSA, việc khám phá cực Nam của Mặt Trăng sẽ được hoàn thành bởi tàu Hằng Nga - 6 và 7, trong khi Hằng Nga - 8 sẽ tiến hành thử nghiệm một số công nghệ then chốt trên bề mặt Mặt Trăng và thăm dò sơ bộ để xây dựng cơ sở nghiên cứu Mặt Trăng./.