Trung Quốc phát triển thiết bị bay giống chim có tiềm năng ứng dụng quân sự và dân sự
(VOVTV) - Trung Quốc gần đây đã phát triển một loại thiết bị bay mới giống chim có thể vỗ cánh (ornithopter). Theo các chuyên gia, loại thiết bị bay loại nhỏ này có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong cả quân sự và dân sự.
Loại thiết bị bay này có tên gọi “Chim cắt nhỏ”, do một nhóm nghiên cứu của Đại học Công nghiệp Tây Bắc (NPU) có trụ sở tại Tây An phát triển, có kích thước bằng một con chim. Theo NPU, thiết bị bay có thể vỗ cánh này có động tác bay nhanh nhẹn và giống chim nhất so với các thiết bị cùng loại.
“Chim cắt nhỏ” mới đây đã được ra mắt tại NPU. Theo truyền thông Trung Quốc, sở dĩ thiết bị này có khả năng bay nhanh và giống chim nhất là do nó không chỉ có thể gập cả hai cánh khi vỗ, mà còn có thể gập một cánh khi bay, điều chỉnh tốc độ vỗ cánh và có thể khóa cánh để thực hiện động tác liệng.
Cánh của thiết bị áp dụng thiết kế cấu trúc mô phỏng sinh học giống thật theo các nguyên tắc giải phẫu, mang lại khả năng che giấu sinh học tốt hơn cũng như khả năng bay nhanh nhẹn và hiệu quả hơn. Sự ra đời của “Chim cắt nhỏ” đã đem lại các ý tưởng thiết kế và nền tảng nghiên cứu mới cho robot bay sinh học ở Trung Quốc. Thiết bị này có tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực như trinh sát quân sự, giám sát sinh thái và bảo vệ môi trường.
Cư dân mạng nhận xét, rất khó để phân biệt giữa thiết bị bay và chim thật qua các đoạn video trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Điều này cũng được các chuyên gia hàng không nước này xác nhận. Họ cho biết, thực sự rất khó để phân biệt giữa chim có tính mô phỏng sinh học cao và chim thật bằng mắt thường, đặc biệt là khi bay trên bầu trời.
Những thiết bị bay này phù hợp cho các nhiệm vụ trinh sát, theo dõi và thậm chí là tấn công chính xác trong các hoạt động tác chiến đặc biệt. Trong các ứng dụng giám sát sinh thái và bảo vệ môi trường, chúng có thể khiến động vật hoang dã không có cảm giác sợ hãi.
Được biết, trước đó, nhóm nghiên cứu của NPU đã thiết kế và phát triển nhiều loại thiết bị bay sinh học như “Bồ câu dẫn đường” và “Cú mây”./.
Tin nổi bật
Tin Video