Trung Quốc phạt một loạt người khổng lồ công nghệ gồm Alibaba, Baidu, Tencent
Nhà chức trách Trung Quốc ngày 20/11 cho biết họ đã phạt một loạt các công ty trong đó có Alibaba, Tencent, Baidu và JD.com, tuyên bố các công ty này vi phạm luật chống độc quyền.
Theo CNBC, Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc cho biết họ phạt Alibaba, Tencent, Baidu, JD.com và một số công ty khác vì đã không khai báo 43 giao dịch kể từ năm 2012 với cơ quan chức năng, tuyên bố các công ty này vi phạm luật chống độc quyền.
Mỗi doanh nghiệp liên quan đến vụ việc trên bị phạt 500.000 nhân dân tệ (78.000 USD), mức tối đa theo Luật chống độc quyền năm 2008 của Trung Quốc. Như vậy, tổng cộng trong đợt phạt này, cơ quan quản lý của Trung Quốc yêu cầu các công ty nộp phạt tổng cộng 21,5 triệu nhân dân tệ.
Alibaba, Baidu, JD.com và Geely đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt các nền tảng internet, đảo ngược cách tiếp cận tự do một thời và viện dẫn nguy cơ lạm dụng sức mạnh thị trường để hạn chế cạnh tranh, lạm dụng dữ liệu của người tiêu dùng và vi phạm quyền của người tiêu dùng.
Thỏa thuận từ lâu nhất bị cho là không báo cáo là thương vụ mua liên quan đến Baidu và một đối tác, và thỏa thuận gần đây nhất là vào năm 2021 giữa Baidu và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Zhejiang Geely Holdings để tạo ra một công ty xe năng lượng mới.
Các giao dịch vi phạm khác được Cục Giám sát Thị trường Nhà nước trích dẫn bao gồm việc Alibaba mua lại công ty định vị và bản đồ kỹ thuật số Trung Quốc năm 2014 là AutoNavi, và năm 2018 mua 44% cổ phần của Ele.me để trở thành cổ đông lớn nhất của dịch vụ giao đồ ăn này.
Vào tháng 12 năm ngoái, cơ quan quản lý Trung Quốc đã phạt Alibaba, China Literature do Tencent hậu thuẫn và Shenzhen Hive Box mỗi công ty 500.000 nhân dân tệ vì không báo cáo chính xác các giao dịch trong quá khứ để xem xét chống độc quyền. Đây cũng là lần đầu tiên án phạt chống độc quyền được thực thi với những người khổng lồ công nghệ này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 đã tuyên bố ý định của mình là truy các công ty “nền tảng” tích lũy dữ liệu để tạo độc quyền, và trên thực tế Bắc Kinh đang tăng cường giám sát chống độc quyền đối với khu vực tư nhân rộng lớn của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Hồi đầu năm nay, Alibaba đã bị phạt 2,8 tỷ USD vì cáo buộc độc quyền. Công ty của tỉ phú Jack Ma cũng bị yêu cầu phải thực thi việc "sửa đổi toàn diện" gồm cả việc thắt chặt kiểm soát nội bộ, duy trì cạnh tranh công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng và quyền lợi của người tiêu dùng. Công ty phải đề xuất các báo cáo về việc tự điều chỉnh với chính quyền trong 3 năm liên tiếp.
Án phạt 2,8 tỉ USD tương đương với 4% doanh thu của Alibaba năm 2019 và cũng là khoản phạt lớn nhất về độc quyền cho đến nay tại Trung Quốc.
Vào tháng trước, người khổng lồ trong lĩnh vực giao hàng thực phẩm Meituan cũng bị phạt 533 triệu USD vì vi phạm các quy định chống độc quyền.
Chưa hết, Trung Quốc hiện đang sửa đổi Luật Chống độc quyền lần đầu tiên kể từ khi có hiệu lực vào năm 2008, tăng cường các hình phạt chống độc quyền trong một nỗ lực nhằm kiểm soát nhiều hơn đối với lĩnh vực kỹ thuật số.
Dự thảo sửa đổi Luật Chống độc quyền lần này đã tăng đáng kể các hình phạt, mở rộng quyền lực cho Cơ quan Quản lý nhà nước về Quy chế thị trường (SAMR). Theo đó, mức phạt tối đa sẽ tăng lên gấp 10 lần, khoảng 5 triệu nhân dân tệ đối với hành vi không thông báo với cơ quan chức năng về giao dịch sáp nhập, điều này áp dụng ngay cả khi giao dịch không gây ra mối đe dọa về chống cạnh tranh.
Các quy định mới cũng sẽ cho phép SAMR phạt lên đến 1 triệu nhân dân tệ đối với các cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp nếu vi phạm luật, bao gồm đại diện pháp luật, giám đốc và các nhân viên khác.
SAMR được được phép tăng tiền phạt khi khó tính toán lợi nhuận bất hợp pháp của một công ty. Đối với các hành vi vi phạm được coi là “đặc biệt nghiêm trọng”, mức phạt có thể tăng lên đến 5 lần số tiền quy định.
Tin nổi bật
Tin Video