Trung Quốc phản bác thông tin nước này tạo ra 'bẫy nợ' tại châu Phi
(VOVTV) - Trung Quốc cho rằng nước này tạo ra “bẫy nợ” tại châu Phi là thông tin bịa đặt, gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi. Đây là đánh giá của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại buổi họp báo hôm 23/2.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, nợ của các tổ chức tài chính đa phương và nợ thương nghiệp cá nhân đã chiếm hơn 3/4 kết cấu nợ nước ngoài của các quốc gia châu Phi, do đó hoàn toàn không có chuyện quốc gia châu Phi nào vì hợp tác với Trung Quốc mà rơi vào “bẫy nợ”.
Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh, khi các quốc gia châu Phi gặp khó khăn, Trung Quốc luôn hiệp thương hữu nghị để tìm các biện pháp giải quyết ổn thỏa vấn đề, Trung Quốc không “ép nợ” cũng như đặt ra những “điều khoản vô lý” đối với các quốc gia châu Phi.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng coi trọng việc giảm nợ, miễn nợ đối với các quốc gia châu Phi, căn cứ vào sáng kiến giãn nợ của G20 cũng như những nhận thức chung của lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi, tích cực phản hồi những quan tâm của các quốc gia châu Phi, hiện Trung Quốc đã đạt được nhận thức chung hoặc Thỏa thuận giãn nợ đối với 16 quốc gia châu Phi.
Ông Uông Văn Bân nói: “Trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi, Trung Quốc đã miễn khoản nợ không lãi suất đến kỳ hạn trong năm 2020 cho 15 quốc gia châu Phi. Cái gọi là Trung Quốc tạo ra bẫy nợ là thông tin bịa đặt, do một số cá nhân đưa ra nhằm chia rẽ quan hệ Trung Quốc – châu Phi”.
Từ lâu Mỹ và một số quốc gia châu Âu thường chỉ trích Trung Quốc tạo ra “bẫy nợ” tại châu Phi khi đầu tư của Trung Quốc tại đây tạo ra ít việc làm, đồng thời Trung Quốc sẽ tịch thu tài sản các nước này trong trường hợp không trả được nợ.
Tuy nhiên, nghiên cứu của công ty tư vấn MacKinsey cho thấy, khoảng 30% trong số 10.000 công ty Trung Quốc ở châu Phi đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, 86% nhân viên, 40% cán bộ quản lý là người địa phương. Hiện Trung Quốc cũng đã giúp đỡ các quốc gia châu Phi xây dựng được hơn 6.000 km đường sắt, 6.000 km đường bộ, gần 20 cảng biển và hơn 80 đập thủy điện.
Tin nổi bật
Tin Video